1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

20 năm sống chung với… phân lợn

(Dân trí) - Khoảng 20 năm trở lại đây, gần 50 hộ dân thôn Trung Ái, xã Nhơn Hòa (An Nhơn, Bình Định) bị hành khốn khổ bởi phân lợn thải ra từ trại heo giống cấp I Nhơn Hòa (thuộc Trung tâm Khoa học kỹ thuật vật nuôi tỉnh).

20 năm sống chung với… phân lợn  - 1

Mấy chục năm nay, người dân thôn Trung Ái chấp nhận ăn uống, sinh hoạt bằng thứ nước đậm mùi phân lợn
“Đã sống ở đây hơn 20 năm và cũng ngần ấy thời gian tui cùng những bà con ở đây sống chung với sự ô nhiễm từ phân lợn. Trại heo giống trước đây nuôi ít và không xả nước trực tiếp xuống ruộng đồng, chủ yếu xả ra sông Bờ Bạn. Nhưng cách đây hơn 10 năm, số lượng heo giống ngày càng nhiều nên họ xả trực tiếp xuống cách đồng sau hông trại giống, thì chừng ấy năm dân tui lãnh đủ”, bà Nguyễn Thị Thưởng, 68 tuổi, ở thôn Trung Ái, than thở.

 

Thông tin từ người dân cho biết, từ khi trại heo giống Nhơn Hòa xả phân lợn xuống đồng khiến hàng chục ha lúa “quá tốt”, kéo cả đàn rầy về bủa vây. Từ đó một số hộ dân đã mạnh dạn đấu thầu cánh đồng của trại heo để trồng rau muống thu lợi. Bên cạnh đó dân cũng lãnh đủ mùi, nước, và bệnh tật từ phân lợn...

 

Chúng tôi đến thôn Trung Ái, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những cánh đồng rau xanh mướt một màu, non mơn mởn. Nhưng càng đi sâu vào trong làng, mùi phân lợn càng nồng nặc. Cánh đồng rau xanh bề mặt nhưng dưới chân rau lại đen ngòm và hôi thối.

 

Ông Thái Văn Định đã thầu cánh đồng sau trại lợn gần 15 năm cho hay: “Từ khi cánh đồng “được” trại heo giống xả phân heo xuống thì trồng rau lãi gấp 3-5 lần trồng lúa. Vì thế nên tui đã mạnh dạn đấu thầu trên 25 sào ruộng trồng rau cho thu nhập ba bốn chục triệu/năm. Tuy nhiên do phân xả xuống trực tiếp nên dù trồng lúa hay rau cũng phải phun thuốc chống rầy thường xuyên”.

 

“Nguồn nước nhiễm bẩn nặng nên hầu hết thôn chúng tôi sống trong cảnh nấm mọc đầy người”, chị Phan Thị Hiệp bức xúc.

 

Bà Nguyễn Thị Túc tuổi chưa cao nhưng mang đủ thứ bệnh. Nước giếng nhà bà múc lên nổi mùi phân lợn rõ rệt. “Tui không còn cách nào khác là phải dùng nó vì nhà neo đơn, con cái đi xa, sức tui không đủ để đi gánh nước từ làng khác về, đành liều mà dùng nước bẩn vậy. Bà con ai thương thì xách cho một vài bình nước sạch dùng nước uống qua ngày…”, bà Túc cám cảnh.

 

“Không chỉ có nguồn nước nhiễm bẩn mà trại heo giống còn xả phân vào thời điểm rất trớ trêu. Cứ đêm xuống là xả phân thẳng ra cánh đồng, cách nhà dân chưa đầy 30m, khiến chúng tôi không tài nào ngủ được. Riết rồi cũng phải cam chịu, đi làm đồng cả ngày về mệt nhoài, đêm đến thì mùi phân heo nồng nặc, đành phải bịt khẩu trang mà đi ngủ”, bà Nguyễn Thị Liễu than phiền.

 

Trưởng thôn Nguyễn Văn Hương cũng thừa nhận: trong thôn đã có rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh về đường ruột, về mắt và đặc biệt là nấm ngoài da… Những hộ dân khá giả chọn giải pháp mua nước sạch vùng khác về dùng còn hộ nghèo thì đành chấp nhận ăn nước nhiễm phân lợn.

 

Trưởng thôn Trung Ái cho biết tiếp nhận ý kiến của bà con, ông đã không biết bao lần kiến nghị lên các cuộc họp, đề nghị Trại heo giống ngừng ngay việc xả phân trực tiếp xuống đồng ruộng trước mặt nhà dân nhưng đến nay vẫn không có một lời hồi đáp.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Xuân Đào, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa, lại đẩy trách nhiệm lên cấp cao hơn: “Xã đã nhận được sự phản ánh của nhân dân thôn Trung Ái qua các cuộc tiếp xúc cử tri và kiến nghị của trưởng thôn. Mới đây đại diện chính quyền xã phối hợp với phòng môi trường huyện đã có cuộc khảo sát thực tế và phát hiện tình trạng ô nhiễm do phân lợn tại thôn Trung Ái là có thật. Xã đã làm báo cáo kiến nghị lên các cấp và Trung tâm vật nuôi tỉnh để có biện pháp xử lý, khắc phục tình trạng nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm”.

 

Hà Khê