2 sở của TPHCM có ý kiến khác nhau về quản lý, thanh lý gỗ đốn hạ
(Dân trí) - Sở Tài chính TPHCM cho rằng, việc Sở Xây dựng tham mưu UBND TPHCM giao Sở Tài chính xử lý, bán thanh lý gỗ thu hồi từ đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên địa bàn là không có cơ sở và không phù hợp.
Sở Tài chính TPHCM vừa có công văn gửi Sở Xây dựng liên quan đến việc quản lý, bán thanh lý gỗ thu hồi từ công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên địa bàn. Trong đó, Sở Tài chính đã phản hồi đề xuất của Sở Xây dựng về việc giao Sở Tài chính làm cơ quan xử lý, bán thanh lý gỗ.
Sở Tài chính viện dẫn, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã quy định các loại tài sản kết cấu hạ tầng và những nguyên tắc cơ bản trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng. Chính phủ cũng quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng, khai thác các loại tài sản kết cấu hạ tầng.
![2 sở của TPHCM có ý kiến khác nhau về quản lý, thanh lý gỗ đốn hạ - 1 2 sở của TPHCM có ý kiến khác nhau về quản lý, thanh lý gỗ đốn hạ - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/velFfK27FvprBXzMsIGn3cSZ8Vc=/thumb_w/1020/2025/02/11/z6307865650986b497f856f20ef474a18148f2fb3871bb-1739267439586.jpg?watermark=true)
Các công nhân thực hiện đốn hạ, thu hồi gỗ tại quận 1, TPHCM (Ảnh: Q.Huy).
Gỗ của thân cây xanh được chặt hạ là tài sản hạ tầng cây xanh đô thị do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật của Sở Xây dựng quản lý. Việc quản lý, bán thanh lý gỗ thu hồi từ công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên địa bàn thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý cây xanh, công viên đô thị.
Hiện, Bộ Xây dựng lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý cây xanh, đô thị.
Sở Tài chính thông tin thêm, căn cứ Quyết định 06 năm 2024 của UBND TPHCM, việc quản lý nhà nước về cây xanh, công viên đô thị không thuộc nhiệm vụ của Sở Tài chính. Do đó, việc Sở Xây dựng tham mưu UBND TPHCM giao Sở Tài chính là cơ quan xử lý, bán thanh lý gỗ thu hồi từ công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên địa bàn là không có cơ sở và không phù hợp.
Trước đó, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TPHCM 3 phương án quản lý, bán thanh lý gỗ thu hồi từ công tác đốn hạ, giải tỏa cây xanh.
Phương án 1: Do chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể, việc bán đấu giá gỗ thu hồi sẽ tạm ngừng để chờ chỉ đạo từ cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, điều này có thể làm gia tăng khối lượng gỗ vượt quá sức chứa tại các bãi tập kết, gây khó khăn trong quá trình quản lý và bảo vệ. Trong khi mỗi tháng, lượng gỗ thu hồi là khoảng 150m3, nếu kéo dài, chất lượng gỗ có thể suy giảm, đặc biệt với một số loại gỗ đặc thù.
Phương án 2: TPHCM tận dụng Nghị định số 151 của Chính phủ để tiếp tục thanh lý, bán đấu giá gỗ. Hiện tại, Sở Xây dựng đang tổ chức việc thanh lý dựa trên văn bản này cùng Quyết định số 27 của UBND TPHCM. Nhưng do dự kiến hủy bỏ Quyết định số 27, tính pháp lý của phương án này sẽ cần được rà soát thêm.
Phương án 3: Dựa vào Luật Quản lý và Sử dụng Tài sản Công, công tác xử lý, bán thanh lý gỗ sẽ giao cho Sở Tài chính thực hiện. Theo Điều 19 và Điều 18 của luật này, UBND cấp tỉnh, huyện sẽ giao quyền cho cơ quan tài chính cùng cấp để quản lý, xử lý các tài sản công theo luật định.
Sở Xây dựng nhận định rằng phương án ba phù hợp quy định pháp luật hơn cả và kiến nghị UBND TPHCM xem xét thông qua.