1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

18 năm nuôi dạy hơn 800 “người dưng nước lã”

(Dân trí) - Mẹ đã nuôi dạy hơn 800 đứa trẻ lang thang cơ nhỡ nên người. Giờ đây, có những em đã tốt nghiệp đại học, có những em tự xây dựng cơ nghiệp của mình bằng vốn kiến thức mà mẹ trang bị nhiều năm qua.

Suốt 18 năm qua, đều đặn mỗi tuần ba buổi, mẹ thuê xe đón những em nhỏ sống nơi bãi giữa sông Hồng về nhà dạy chữ…

Thương dân vạn đò, yêu người khốn khó

Con phố nhỏ Ngô Văn Sở nằm yên bình giữa một Hà Nội ồn ào, chen lấn. Ngôi nhà số 13 ngày ngày ê a tiếng trẻ con học chữ.

Gần hai mươi năm trời, khoảng thời gian không ngắn nhưng cũng đủ dài để mẹ Vũ Ngọc Oanh chứng kiến sự trưởng thành của bao con người, những thân phận trước đó cầu bơ cầu bất, sống lề đường, ngủ gầm cầu.

Từ những năm 80, thương lũ trẻ đói rách lê bước chân khắp thành phố để mưu sinh, mẹ Oanh đã tìm hiểu rồi nhận nuôi những em bé có hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống không dư dả, mẹ mở quán phở để nuôi dạy những đứa trẻ này nên người.
 
“Tổ bán báo xa mẹ”, mẹ là người khởi xướng. Đó cũng là cách để tạo cho các em có thể thu nhập, không phải đánh vật với may rủi từ lòng thương hại của khách qua đường. Rồi tổ bán báo giải tán, thay vào đó mẹ huy động mọi nơi và mở quán cơm bình dân, tính từng đồng lãi nhỏ để mua gạo đáp ứng bữa ăn cho từng trẻ nhỏ.
 
18 năm nuôi dạy hơn 800 “người dưng nước lã” - 1

Ba chị em Hương, Đạt, Thắng được mẹ Oanh
đón nhận nuôi nấng.
 
Những cuốn sổ đã úa vàng, đó là danh sách những em bé mẹ đã nhận nuôi nấng từ bao năm nay, mẹ xem đó như là giấy khai sinh cho từng thành viên “nhí” mà mình tiếp nhận từ đường phố, từ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ở ngôi nhà nhỏ này, tiếng nói của các em mang đủ thứ giọng các địa phương, từ Cao Bằng, Yên Bái đến Nam Định, Thanh Hoá…

Tên của từng thành viên, lâu thì hàng chục năm trước, mới thì trong năm nay, mẹ thuộc nằm lòng. Gần hai mươi năm qua, mẹ đã nuôi dạy hơn 800 con người mà thiên hạ vẫn gọi là “người dưng nước lã”.

Mẹ nói rằng, hơn tám trăm con người đó đến với mẹ khác nhau về địa điểm, nhưng giữa các em có điểm chung nhất là xuất phát từ sự thiếu thốn, khó khăn. Ở đó, có những em nhỏ đã xa gia đình từ rất sớm, lang bạt giữa phố phường, nhiễm nhiều thói hư, quen sống với những cạm bẫy và thủ đoạn. Mẹ đón các em về để cho các em miếng ăn, cái chữ và thanh lọc tâm hồn các em.

Như ba chị em Vũ Thu Hương (8 tuổi), Vũ Tiến Đạt (3 tuổi) và Vũ Tiến Thắng (5 tuổi), bố tai nạn mất sớm, mẹ kiệt quệ không đủ sức nuôi 3 con. Các em có nguy cơ phải sống đời cơ nhỡ. Mẹ đã đón cả ba về nuôi nấng và dạy chữ.

Lớp học làm người

Ngoài những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ được đón về nuôi nấng tại nhà, mẹ Oanh còn tìm ra bãi giữa sông Hồng, vào gầm cầu Long Biên thuyết phục phụ huynh vận động các em nhỏ đi học chữ, làm người.

Những ngày đầu, mẹ ôm sách vở chèo đò ra bãi giữa dựng lều dạy học, nhưng rồi “cách sông cách đò”, lớp học giữa mênh mông sông nước được chuyển về “đất liền” khi mẹ thuê được một gian nhà nhỏ dưới gầm cầu Long Biên để đêm đêm sáng đèn dạy chữ. Đến bây giờ, có điều kiện hơn thì người phụ nữ quen “chăm người dưng” đã đón các cháu về hẳn Ngô Văn Sở để dạy học.

Ở lớp học “ba buổi một tuần” này, những học trò nhí tuy có gia đình, nhưng cuộc sống cũng chẳng khá hơn đám trẻ con không nhà.
 
18 năm nuôi dạy hơn 800 “người dưng nước lã” - 2
Một góc lớp học tại 13 Ngô Văn Sở trong giờ giải lao.
 
Bố bị lao phổi nặng, mẹ nhặt giấy vụn mỗi ngày kiếm gạo nuôi con. Cơ ngơi của ba chị em Vũ Thị Mai (13 tuổi), Vũ Văn Mạnh (9 tuổi), Vũ Thị Hương (6 tuổi) là con đò chắp vá lênh đênh giữa sông Hồng. Đón nhận ba chị em về, thương cảnh nghèo khó, ngoài dạy học chữ, mẹ Oanh còn nuôi cơm các em, như một sự bù đắp cho những thiệt thòi mà các em phải chịu.
 
“Hầu hết các em hiền lành và hướng thiện, nhưng cũng có em chưa quen với môi trường rèn giũa nên đã rời bỏ ra đi, tìm về với cuộc sống đường phố, những lúc như vậy mình đau lòng lắm”, mẹ Oanh chia sẻ.

Nhưng mẹ cũng giấu được sự tự hào khi kể về những đứa trẻ đã qua tay mình mà trưởng thành, thành đạt. Từ ngôi nhà nhân ái đó, có nhiều em đã tốt nghiệp đại học, như Lê Ngọc Hương, Nguyễn Văn Sáng, Nguyễn Thị Hiền… Nhiều em đã có sự nghiệp riêng, đã lập gia đình,... Lại có những em đồng cảnh ngộ, sống với nhau rồi yêu nhau, nên duyên chồng vợ.

* * *

Phố xá vẫn ồn ào, nhịp sống bon chen không cho phép ai dừng lại trong vòng quay mưu sinh nhiều trắc trở. Nhưng ở nhà mẹ Oanh mỗi ngày, vẫn đều đều bài giảng về tình người, về lòng nhân ái, về sự sẻ chia vang lên mỗi ngày...

Trần Hưng