1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

13 tuổi đã vội vã “bắt” chồng

(Dân trí) - Hồn nhiên vạch áo cho con bú, bà mẹ 17 tuổi cười tươi: Mình “bắt” chồng cách đây 2 năm. Mình thế là còn muộn đấy. Ở làng con gái 13 tuổi đã “bắt” chồng hết rồi. Lấy chồng sớm để làm ăn tốt hơn!

“Lấy chồng sớm để làm ăn”

 

13 tuổi đã vội vã “bắt” chồng - 1

Gia đình bà Y Hằng
 
Nếu câu chuyện tảo hôn của cô dâu ở tuổi 16 tại Hà Nội cách đây hơn 3 tháng là đề tài “nóng” của dư luận thì với người dân vùng biên giới xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đó là chuyện “thường ngày ở huyện”.

 

Người Kdong và người B’râu ở xã Bờ Y luôn xem chuyện kết hôn của đời người là chuyện… tổ tiên truyền con cháu nối, chứ không theo luật pháp. Nên trai gái cứ đến tuổi dậy thì là kết hôn.

 

Đến thăm nhà bà Y Hằng (52 tuổi), chúng tôi bắt gặp hình ảnh vợ chồng bà Hằng đang ngồi nhậu với vợ chồng ông Đinh Hải Nam với một chai rượu và một con cá nục to bằng cán dao. Ngoài hiên nhà là một đôi vợ chồng con nít Thao Bun Hao (22 tuổi) và Y Trà Mi (17 tuổi) đang bế đứa con hơn 4 tháng tuổi trên tay. Người mẹ trẻ, gương mặt còn vương nét trẻ thơ, hồn nhiên vạch áo cho con bú.

 

Tiếp chuyện chúng tôi, vợ chồng Hao - Mi cười rất tươi chứ không ngại ngùng. Với đôi trẻ, họ cưới nhau như thế là còn… muộn vì trong làng, con gái hầu hết 13 tuổi đã vội vã đi “bắt” chồng. Mi cho biết hai vợ chồng cô lấy nhau cách đây 2 năm, khi Mi mới học hết lớp 6, còn chồng vừa tốt nghiệp lớp 9.

 

Mi nói cưới vì cái bụng hai đứa đã ưng nhau, hai bên cha mẹ cũng chiều lòng theo “truyền thống” xưa nay của người Krong chứ không phải do “ăn cơm trước kẻng”. Đó là chuyện đáng mừng của cả hai bên gia đình: “Mình lấy chồng sớm để làm ăn tốt hơn, ở đây nhiều người lấy chồng sớm lắm, 13 tuổi là lấy chồng rồi”, Mi vừa hết lời thì mẹ chồng giải thích tiếp: “Chúng lấy nhau sớm cũng tốt mà, lấy nhau để về cùng làm ăn cho dễ hơn”.

 

Bà Hằng cho biết cách đây gần một năm, cậu con trai Thao Thái (SN 1991) của bà cũng đã về ở rể ở làng Đăksơn.

 

Già làng Thao Pú, cho biết: Làng có 191 hộ, 649 nhân khẩu, trong đó có rất nhiều gia đình vẫn đang ở tuổi vị thành niên đã có con lớn. Như Y Hà (20 tuổi) lấy chồng ở tuổi 11 và có một cậu con trai đã lên 9; Y sang (22 tuổi) đã có 3 đứa con, đứa lớn nhất cũng đã 9 tuổi; Y Blế 19 tuổi nhưng con trai đã lên 6…

 

“Làm kinh tế sướng hơn làm việc nhà nước”

 

Với người dân xã Bờ Y, chuyện cả ngày bám mình trên rẫy là quá bình thường, nên việc có con ở độ tuổi… còn thơ, sinh con sớm là điều đáng phải làm. Càng sớm càng tốt, để có thêm lao động trong nhà.
 
13 tuổi đã vội vã “bắt” chồng - 2
Người mẹ trẻ cười tươi, cho rằng mình lấy chồng thế là còn... muộn

 

Không chỉ bằng lòng với những cuộc hôn nhân trẻ nít, người dân nơi đây còn rất hài lòng với sự “thất học” của mình với suy nghĩ “làm kinh tế sướng hơn làm việc nhà nước”.

 

Y Bun Hao so sánh: “Làm kinh tế sướng và giàu hơn làm việc nhà nước chứ. Làm việc nhà nước mỗi tháng được hơn 1 triệu tiền lương thôi, trồng cà phê còn sướng hơn. Mình có hơn 3ha cà phê còn 2 năm nữa là thu hoạch, mỗi năm cũng thu về 300 đến 400 triệu đồng”.

 

Chính vì suy nghĩ này nên những người Kdong ở làng Iệc chưa bao giờ xem trọng việc học hành. Với họ, việc đi học để biết chữ cũng chỉ là “tại nhà nước mình cứ nhiệt tình vận động đến trường thôi”. Cán bộ nhiệt tình quá thì họ… chiều chứ không thiết tha đâu. Thế nên đang học dở mà thích “bắt” chồng, lấy vợ là bỏ học luôn để ở nhà vợ chồng, con cái dắt nhau lên rẫy làm kinh tế.

 

Trong tiềm thức của người dân nơi đây, họ luôn cho rằng: “Học mà sau không làm được gì thì học cũng bằng không, thà ở nhà “bắt” chồng, lấy vợ mà làm kinh tế còn hơn”.

 

Hỏi thăm nhà thôn trưởng thì được biết ông đã đi làm rẫy mãi trên núi, đến tối mới về. Quay lại nhà già làng trao đổi vấn đề kế hoạch hóa gia đình và vấn nạn tảo hôn đang diễn ra tràn lan ở làng, già làng trả lời: “Đây là tập quán có từ lâu đời của làng Kdong rồi. Biết luật của nhà nước nên 2 năm nay mình cũng chỉ ra “luật” mới: nếu ai kết hôn chưa đủ tuổi là bị phạt một con heo và hai ghè rượu để cho cả làng nhậu”.

 

“Luật” mới này hình như không khiến lớp trẻ sợ mà ngược lại như góp vui cho cuộc hôn nhân, cho cả làng được dịp no say, bất kể đàn ông, đàn bà hay trẻ nhỏ…

 

Thiên Thư