1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

10 loài cây dược liệu có nguy cơ tuyệt chủng ở khu bảo tồn thiên nhiên

(Dân trí) - Kết quả nghiên cứu cây dược liệu ở Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt theo Sách Đỏ Việt Nam (2007), có 10 loài cây dược liệu có nguy cơ tuyệt chủng.

10 loài cây dược liệu có nguy cơ tuyệt chủng ở khu bảo tồn thiên nhiên - 1

Nấm đất (Balanophora laxiflora Hemsl), người dân bản địa còn gọi là ngọc cẩu.

Ngày 27/4, BQL Khu BTTN Pù Hoạt cho biết, qua nhiều năm nghiên cứu và từ những kết quả điều tra cho thấy, có 10 loài cây dược liệu quý ở Khu bảo tồn này có nguy cơ tuyệt chủng.

Cụ thể,mức Nguy cấp (EN) có 2 loài là Ngũ gia bì gai (Acanthopanax trifoliatus) và Lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume). 

Đây là hai loài cây thuốc đang bị khai thác quá mức không chỉ ở khu vực Nghệ An mà hầu như khắp các vùng trên cả nước.

10 loài cây dược liệu có nguy cơ tuyệt chủng ở khu bảo tồn thiên nhiên - 2

Gừng Vũ Quang (Zingiber vuquangense).

10 loài cây dược liệu có nguy cơ tuyệt chủng ở khu bảo tồn thiên nhiên - 3

Chè hoa vàng Pù Hoạt (Camellia puhoatensis).

Ở mức Sẽ nguy cấp (VU) có 8 loài là gồm: Khôi tía, Đẳng sâm, Hoàng tinh cách, Hà thủ ô đỏ, Du sam núi đất, Ba gạc vòng, Ba gạc cam bốt và Hồi nước. Đây cũng là các loài cây thuốc quý đang bị người dân khai thác mạnh.

Kết quả nghiên cứu này là cơ sở cho huyện Quế Phong và Khu BTTN Pù Hoạt cần có chiến lược, chính sách để bảo tồn, khai thác các loài thực vật làm thuốc này một cách hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Hoạt cho biết: “Qua các kết quả điều tra nghiên cứu cho thấy, các loài thực vật được sử dụng làm thuốc ở Khu BTTN Pù Hoạt có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng đối với tính đa dạng sinh học của Khu bảo tồn và đời sống của người dân. 

10 loài cây dược liệu có nguy cơ tuyệt chủng ở khu bảo tồn thiên nhiên - 4

Thiên niên kiện lá to (Homalomena gigantea Engl).

Đặc biệt, hệ thực vật của Khu BTTN Pù Hoạt có nhiều loài cây dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao như: Lan kim tuyến, Chè hoa vàng, Sâm cau, Hà thủ ô đỏ, Lá khôi tím, Hoàng đằng, Đẳng sâm, Bồ cốt toái, Bách bộ, Thổ phục linh, Thiên niên kiện lá to... Hầu hết các loài dược liệu này đang bị người dân thu hái và bán cho các đầu mối thu gom, vận chuyển đi Trung Quốc”.

Cũng theo ông Sinh, những loài này đang bị đe dọa thực sự và sẽ cạn kiệt nếu không sớm có những biện pháp ngăn chặn hiệu quả và bảo tồn chúng…. 

10 loài cây dược liệu có nguy cơ tuyệt chủng ở khu bảo tồn thiên nhiên - 5

Đẳng sâm (Codonopsis javanica (Blume).

“Hiện nay với sự tác động của phát triển kinh tế xã hội, áp lực nhu cầu nguồn dược liệu tự nhiên ngày càng tăng đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng của hệ thực vật Khu BTTN Pù Hoạt nói chung và các loài cây thuốc nói riêng.

Do đó, để của nguồn gen cây dược liệu, bảo tồn tốt đa dạng sinh học ở khu vực này chúng ta cần có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa. Cũng từ đó, trong thời gian qua, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã có nhiều nỗ lực cố gắng nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học nói chung và cây dược liệu nói riêng”, ông Sinh cho biết thêm.

Được biết, hiện nay, Khu BTTN Pù Hoạt đã và đang xây dựng Vườn bảo tồn chuyển vị cho 10 loài cây dược liệu quý hiếm và các loài có giá trị kinh tế cao để bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu quy trình kỹ thuật nhân giống, gây trồng phát triển chúng nhằm phục vụ cho việc xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu tập trung trên quy mô lớn.

Theo giới nghiên cứu, sự phân bố của các loài cây dược liệu thường gắn liền với sinh cảnh dưới tán rừng; đặc biệt một số loài dược liệu quý hiếm chỉ phân bố ở những nơi núi cao, dưới các tán rừng già nguyên sinh như ở Khu BTTN Pù Hoạt. 

Nguyễn Phê