1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Rừng “ứa máu” trong khu bảo tồn thiên nhiên ở Hòa Bình

(Dân trí) - Hàng chục cây gỗ quý hiếm nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông đã bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc. Ngay trong vùng được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng rừng vẫn “chảy máu” trước sự bất lực của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình.

phá rừng 1.jpg

Thời gian gần đây, người dân sống gần Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ngọc Sơn - Ngổ Luông, tỉnh Hòa Bình liên tục phản ánh về tình trạng, rừng trong KBTTN này bị lâm tặc chặt phá không thương tiếc.

phá rừng 2.jpg

Theo người dân, rừng bị tàn phá nhiều nhất là ở khu vực Đống Chơ thuộc địa phận xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đây là địa bàn KBTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông giáp ranh với rừng phòng hộ Pù Luông, tỉnhThanh Hóa.

phá rừng 3.jpg

Tại khu vực rừng già bị "chảy máu" trong vùng lõi KBTTN này, hàng chục cây có tuổi đời cao, thuộc nhiều loại gỗ quý hiếm đã bị lâm tặc chặt phá không thương tiếc. Cảnh cây rừng bị chặt hạ trơ gốc, những đống bìa, mùn cưa... nằm trơ trọi khắp nơi như một công trường khai thác gỗ đã được ghi lại.

phá rừng 4.jpg

Nhìn những hình ảnh rừng "ứa máu" khiến người dân không khỏi xót xa. Các loại cây lâu năm bị chặt hạ như: chò trai, mài lái,... có đường kính từ 40 - 90cm đã bị chặt hạ chỉ còn trơ gốc, thân cây đã được chuyển đi.

phá rừng 5.jpg

Tại hiện trường vụ chặt phá rừng, các vết cắt được thực hiện rất "ngọt", chứng tỏ lâm tặc đã dùng cưa máy để tàn sát cây rừng. Chúng cũng dùng cưa xẻ gỗ thành từng mảnh để đưa ra khỏi rừng cho thuận tiện.

phá rừng 6.jpg

Mùn cưa vương vãi khắp nơi. Cách đó không xa có một lán trại của lâm tặc vừa bị đốt bỏ.

phá rừng 7.jpg

Theo ghi nhận của phóng viên, từ khu vực rừng bị triệt hạ đến khu vực dân cư của xóm Trên, xã Tự Do không quá xa. Vì thế, việc dùng cưa máy phá rừng mà không bị phát hiện là rất... lạ..

phá rừng 8.jpg

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Bùi Văn Hùng, Trưởng ban Quản lý Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông thừa nhận, tình trạng rừng bị phá là có nhưng chỉ có mức độ nhỏ. Ngay sau khi nhận được thông tin, Ban đã cho kiểm tra, đồng thời báo cáo lên cấp trên. "Đây là khu vực giáp ranh nên chúng tôi đã thông báo với Ban quản lý rừng phòng hộ Pù Luông (Thanh Hóa) để phối hợp điều tra, xử lý".

phá rừng 11.jpg

Hiện số liệu gỗ bị chặt hạ đang được kiểm đếm. Cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đang phối hợp để điều tra làm rõ vụ việc. 

Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông được UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định thành lập số 2714/QĐUB ngày 28/12/2004. Tổng diện tích khu bảo tồn là 19.254 ha, thuộc địa phận huyện Tân Lạc và Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình, trong đó đất lâm nghiệp là 16.800 ha, chia ra phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 12.700 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 4.100 ha, còn lại là đất nông nghiệp và đất khác.

 

Khu BTTN còn rất nhiều cánh rừng nguyên sinh như: rừng thường xanh trên núi đá vôi có độ cao dưới 300m; từ 300 - 700m và trên 700m; rừng tre nứa. Hiện có 667 loài thực vật có mạch thuộc 373 chi của 140 họ sinh sống trong KBTTN, có nhiều loài thực vật quý hiếm và đặc hữu. Trong đó có 28 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam năm 2007, 7 loài ghi trong Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, 10 loài ghi trong danh mục sách đỏ của IUCN/2008 và 14 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam.

 Thanh Bình