Đội tuyển Croatia: Chức vô địch từ trong tim
(Dân trí) - Sở dĩ bóng đá trở thành thể thao Vua bởi nó mang tới quá nhiều xúc cảm cho người hâm mộ. Lịch sử có thể sẽ lãng quên kẻ về nhì Croatia nhưng thứ cảm xúc họ mang lại sẽ còn “sống” rất lâu trong lòng người hâm mộ.
1. Khi Luka Modric và các đồng đội cất lên bài quốc ca Croatia ở trận chung kết World Cup 2018, người ta thấy niềm tự hào ánh lên mắt của họ. Đó là lần đầu tiên bài quốc ca có tựa đề “Lijepa naša domovino” (tạm dịch: Quê hương tươi đẹp) được cất lên ở trận chung kết World Cup.
“Đất nước xinh đẹp của chúng ta
Đất nước dũng cảm và duyên dáng
….
Sava, Drava hãy tiếp tục chảy
Danube, đừng đánh mất sức sống
(Sava, Drava, Danube là tên những con sông)
Biển sâu hãy nói với cả thế giới
Rằng những người Croatia yêu mến mảnh đất này
…”
Bài quốc ca là bản hùng ca về đất nước Croatia - một dân tộc đau thương sau khi tách khỏi liên bang Nam Tư trong cuộc nội chiến. Từng lời bài hát ấy tựa như đã ngấm vào da thịt của những người Croatia. Để rồi, ở World Cup 2018, bản hùng ca ấy đã được cất lên từ đôi chân và trái tim quả cảm của những chiến binh Croatia.
2. Những người hùng của Croatia hầu hết đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến. Modric chẳng thể quên được những giọt nước mắt đau xót khi chứng kiến ông nội của mình bị bắn chết, cùng với đó, ngôi nhà thân yêu của mình đã bị thiêu rụi ngay trước mắt của cậu bé non nớt ấy. Như Modric, nhiều gương mặt khác của Croatia đã tha hương để tránh bom đạn như Mandzukic, Rakitic, Vedran Corluka…
Có lẽ, chỉ khi sống và vượt qua đau thương, người ta mới có sức sống mãnh liệt tới vậy. Hình ảnh cậu bé lên 5 tuổi, Luka Modric, với dáng người bé loắt choắt, thản nhiên “khiêu vũ giữa bày sói” khi đang chăn dê phụ giúp gia đình đã gợi lên nhiều điều. Tuổi thơ nghèo khó và luôn đối diện hiểm nguy hiểm rình rập đã nhào nặn nên Luka Modric can trường sau này.
Không chỉ có Luka Modric, ở đất nước nhỏ bé với 4 triệu dân ấy, có hàng triệu trái tim dũng cảm như vậy. Như tuyên bố của Ivan Rakitic trước trận chung kết với Pháp: “Kể cả khi què chân, tôi cũng sẽ ra sân trong trận đấu này”.
Thực tế, với vị thế ở cửa dưới, đoàn quân của HLV Dalic hoàn toàn có thể chọn cách thi đấu khác, như việc lui về đổ bê tông trước Pháp. Thế nhưng, họ đã không làm như vậy. Những trái tim can trường của Croatia đã vùng lên, chiến đấu như những chiến binh thực thụ. Cái cách họ gục ngã cũng mang dáng dấp của chiến binh.
Luka Modric và các đồng đội để lại ấn tượng đẹp trong lòng người hâm mộ
Có một hình ảnh khiến nhiều người xúc động. Đó là khi Šime Vrsaljko luôn tay đập lên chiếc huy hiệu Croatia trên ngực áo, bất chấp việc anh “thở không ra hơi”. Chỉ có “linh hồn dân tộc” ấy mới thôi thục Croatia chiến đấu và trở nên hào hùng tới vậy. Thực tế, việc vượt qua 3 trận đấu liên tục với mật độ thi đấu 3 ngày/trận là điều quá sức. Nhưng chẳng ai thấy sự chùn bước trên đôi chân của những chiến binh Croatia.
“Sava, Drava hãy tiếp tục chảy. Danube, đừng đánh mất sức sống” - đúng như lời bài quốc ca. Croatia mãi chiến đấu như dòng chảy bất tận. Chính sự quả cảm ấy đã chạm tới trái tim của những người trung lập.
3. Suy cho cùng, bóng đá không hẳn chỉ là cuộc chiến giữa thắng và thua. Nó còn thu hút người ta tới lạ kỳ bởi những cảm xúc bất tận. Croatia đã thực sự chinh phục tất cả bởi điều đó. Họ xứng đáng với chức vô địch trong lòng những người hâm mộ.
Hình ảnh Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarović lau những giọt nước mắt cho Luka Modric trong lễ trao giải thực sự cao quý. Nó cho thấy những người Croatia sẵn sàng gạt đi những thất bại, những đau thương để hướng tới những điều tươi sáng hơn.
Lịch sử có thể lãng quên kẻ về nhì Croatia nhưng thứ cảm xúc họ mang lại sẽ có "sống" rất lâu
Dù cho 20 năm nữa, thậm chí lâu hơn, đất nước Croatia mới sản sinh ra thế hệ vàng đáng kỳ vọng tới vậy nhưng có một điều chắc chắn, tinh thần và sự quả cảm của đội tuyển Croatia sẽ không bao giờ mất đi.
Tới đây, người viết liên tưởng tới hình ảnh của những chiến binh U23 Việt Nam trong trận tuyết ở Thường Châu (chung kết U23 châu Á). Dù thật khập khiễng khi so sánh về hai đội bóng cũng như hai giải đấu nhưng bóng đá, dù ở bất kỳ cấp độ nào, điều thành công nhất vẫn là chinh phục trái tim của những người hâm mộ. U23 Việt Nam, từ chỗ bị đánh giá là lót đường, đã thu hút được sự ủng hộ của cả châu Á cũng như thế giới.
Lịch sử có thể sẽ lãng quên những kẻ về nhì như Croatia hay U23 Việt Nam. Nhưng thứ cảm xúc mãnh liệt mà họ mang lại sẽ còn “sống” rất lâu nữa trong lòng những người hâm mộ.
Biết đâu, khi cần biểu tượng về sự quả cảm, người ta sẽ lại mang hình ảnh họ để so sánh cũng như để tiếp thêm động lực chiến đấu.
Sau tất cả, sắm vai kẻ thất bại thì đã sao? Ở đời, ai chả thất bại vài lần. Nó có thể là tiền đề để vươn tới thành công trong tương lai. Chả phải, hai năm trước, những người Pháp cũng rơi lệ đó thôi!
H.Long