Ra mắt Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam
(Dân trí) - Ngày 11/10, tại hội trường Thống Nhất (TPHCM), Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (gọi tắt là VCCA) chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Quốc Kỳ được bầu làm Chủ tịch nhiệm kỳ 1 (2017-2022).
Trong phần tham luận của các đại biểu, rất nhiều ý kiến của chuyên gia đầu ngành ủng hộ việc ra đời của hiệp hội, cho rằng đây là bước đi cần thiết nhằm nâng cao giá trị văn hóa ẩm thực Việt và kết hợp, phát triển du lịch.
ĐBQH Trần Du Lịch nêu quan điểm: “Việc thành lập hiệp hội là điều rất cần thiết. Lâu nay, món ăn Việt vẫn phát triển theo hướng tự phát, hiệp hội sẽ có nhiệm vụ nối kết lại những giá trị đó. Phải gắn với du lịch, ví dụ như tôi đến Huế ăn một tô bún bò gánh và cảm nhận nó ngon hơn trong tiệm, nhưng ăn ở ngoài thì ngại về yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, thế thì phải tổ chức lại làm sao để an toàn…”
“…Đi du lịch có bốn vấn đề: ở đâu, ăn cái gì, chơi cái gì và mua sắm cái gì mang về thì Việt Nam không đồng bộ bốn cái này nên khó phát triển thành ngành công nghiệp du lịch và rất khó để du khách chi tiền”, ông Trần Du Lịch nêu lên thực trạng để cho thấy chức năng gắn kết của Hiệp hội là rất quan trọng.
“Tôi rất vui khi Hiệp hội ra đời và tôi nghĩ rằng TPHCM cũng sẽ có những hoạt động xoay quanh lĩnh vực này. Ẩm thực là một trong nhóm 4 sản phẩm du khách tìm tòi, thưởng thức khi đến TPHCM. Ẩm thực Việt có tính trung hòa phù hợp với nhiều đối tượng khách. Với sự tinh tế, nguồn nguyên liệu dồi dào, cách chế biến khéo léo cùng với sự hoạt động bài bản của hội thì góp phần gia tăng giá trị văn hóa ẩm thực khi đến với TPHCM”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, GĐ Sở Du lịch TPHCM.
“Chúng tôi đã từng nghĩ đưa ẩm thực trở thành thương hiệu của du lịch Việt Nam. Đúng hết, nhưng cái lớn nhất là trở thành thương hiệu quốc gia vì nó sẽ là tầm nhìn lâu dài. Còn du lịch thì chỉ là trung hạn và ngắn hạn…”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, TGĐ Vietravel, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam chỉ ra tầm nhìn của hội.
Theo ông Kỳ thì đây sẽ là ngọn cờ đầu và tạo thành một chuỗi giá trị và các hội viên khi gia nhập đều phải nhận thức điều này.
Trên thực tế, ông Kỳ cho rằng yếu tố trên rất được các hội viên ủng hộ và tích cực tham gia.
“Tham gia vào hội các hội viên được gì? Nếu hội không có ích cho hội viên thì sẽ không quy tụ được ai hết, nếu hội không chứng minh được năng lực gánh vác trọng trách thì các hội viên cũng bỏ mình. Vì thế, bản chất Hiệp hội là hướng về toàn bộ hội viên, hướng đến mục tiêu, tập trung hoạt động, thực thi nhiệm vụ…thì chúng tôi tin sẽ kết nối mọi người lại với nhau”, ông Kỳ chia sẻ.
Vì sao tách rời ẩm thực và du lịch?
Tiến sĩ sử học - Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (Trưởng Đề án Bếp Việt - Bếp của thế giới) cho rằng: “Để phát triển nền ẩm thực Việt Nam trở thành thương hiệu đại diện cho quốc gia, theo tôi điều quan trọng chúng ta cần phải biết làm gì, cách làm cụ thể ra sao, nhất là phải cùng nhau làm, chứ đơn độc thì như muối bỏ bể, dã tràng xe cát biển Đông”.
Tại Đại hội lần thứ nhất, 162 đại biểu cũng đã thống nhất bầu ra 33 thành viên Ban chấp Hiệp hội; 11 thành viên trong Ban Thường vụ và 4 Phó Chủ tịch. Đại hội cũng đã thống nhất thông qua Điều lệ hoạt động với 8 chương và 26 điều.
Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện, tập hợp các cá nhân, tổ chức đang hoạt động hoặc làm việc có liên quan đến lĩnh vực ẩm thực và văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Mục tiêu của Hiệp hội là khám phá, duy trì và phát triển để đưa văn hóa ẩm thực trở thành tài sản quốc gia vào năm 2030, xây dựng các kinh đô, thủ phủ và bảo tàng ẩm thực. Hiệp hội xây dựng một nền văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong phú thông qua nhiều sự kiện, chương trình hành động thiết thực như mở trường đào tạo, tổ chức các cuộc thi, chương trình quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước… để tạo ra một nền ẩm thực chuyên nghiệp.
Hiệp hội còn xác minh, chỉ rõ các nguồn cung cấp thực phẩm an toàn. Việc này vừa giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản, gia tăng giá trị xuất khẩu, vừa giúp người tiêu dùng an tâm với thực phẩm trên bàn ăn. Và ở một góc độ khác, khi đã trở thành thương hiệu quốc gia, ẩm thực sẽ tác động rất lớn đến kinh tế, nhất là du lịch bởi phần ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành.
Không chỉ góp phần hỗ trợ nhau hoạt động hiệu quả, các thành viên của VCCA còn đóng góp vào tôn chỉ bảo tồn, khai thác, lưu giữ và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam trong nhân dân, từ đó quảng bá và khai thác hiệu quả giá trị ẩm thực Việt Nam ra thế giới.
Phạm Nguyễn