An Giang: Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực ĐBSCL”

Bớt chê.... cùng gắn kết phát triển du lịch nông nghiệp

(Dân trí) - “Đâu đó vẫn còn nhiều lời chê về cách làm du lịch của chúng ta, tuy nhiên, theo tôi sự phát triển ngành du lịch của Việt Nam là nhanh, vì khi chúng ta còn lo chiến tranh, các nước đã làm du lịch. Do vậy, chúng ta bớt chê cùng nhau gắn kết, có kế hoạch phát triển du lịch thì tốt hơn”. Ông Phạm Thế Triều – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, chia sẻ.

Sáng 1/10, tại An Giang, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL), Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh An Giang, Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt và các cơ quan liên quan đã phối hợp tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 7 vùng du lịch trọng điểm của du lịch Việt Nam. Với ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú của hệ sinh thái vùng hạ lưu sông Mê kông, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử cộng đồng đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo. Trong đó, các hệ thống các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với hệ sinh thái miệt vườn, sông nước đã trở thành sản phẩm chủ đạo. Ngoài ra mạng lưới sông ngòi kênh rạch dày đặc nên du lịch trải nghiệm cuộc sống trên sông nước bằng ghe, tàu cũng rất hấp dẫn du khách.

Quang cảnh Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Quang cảnh Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đạo Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho hay du lịch nông nghiệp được thế giới coi trọng vì đem lại nhiều giá trị nhiều mặt, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, nhiều quốc gia đã dựa vào các giá trị đặc trưng của nền nông nghiệp truyền thống kết hợp với công nghệ, nông nghiệp hữu cơ để thu hút khách du lịch và thông qua khách du lịch thúc đẩy tiêu thụ, tăng doanh thu cho nông nghiệp…

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với số dân sinh sống ở vùng nông thôn chiếm tỷ lệ cao. Trong xu thế phát triển hiện nay, liên kết hình thành chuỗi giá trị giữa nông nghiệp và du lịch là hết sức quan trọng, sẽ đem lại nhiều giá trị tích cực, đặc biệt là vấn đề tạo sinh kế, tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần gìn giữ được nghề nông nghiệp truyền thống, duy trì được sản vật địa phương có giá trị, tích tụ đất đai và lực lượng lao động nông nghiệp lành nghề.

Rừng tràm trà sư mùa nước nổi
Rừng tràm trà sư mùa nước nổi

Đối với ngành du lịch, du lịch cần các giá trị nông nghiệp đặc sắc để làm đa dạng, phong phú thêm sản phẩm du lịch, làm giảm áp lực quá tải tại khu vực đô thị đồng thời kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao chi tiêu của du khách. Bên cạnh đó, du lịch và nông nghiệp phát triển cùng hướng tới giá trị bền vững cùng chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia, đặc biệt là những người nông dân.

Các dịch vụ phục vụ khách tại các làng quê, thôn bản với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng địa phương (cung cấp dịch vụ homestay, hướng dẫn, trình diễn, cung cấp dịch vụ, hàng hóa, nông sản được sản xuất tại địa phương phục vụ tiêu thụ tại chỗ) sẽ đem lại thu nhập, tạo thêm nguồn sinh kế ổn định, cải thiện đời sống cho người nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương.

Đại diện một DN khai thác du lịch, cho rằng, du lịch nông nghiệp Việt Nam có nhiều thế mạnh, tuy nhiên, một trở ngại lớn là khu lưu trú. Vì đa phần những điểm tham quan du lịch hiện nay những cơ sở lưu trú chưa được đầu tư đúng mức, chưa làm du khách hài lòng.

Du khách rất thích thú khi xem cá lóc bay ở Cồn Sơn, TP Cần Thơ
Du khách rất thích thú khi xem cá lóc bay ở Cồn Sơn, TP Cần Thơ

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Thế Triều – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang, cho biết, An Giang là một trong 3 tỉnh thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp cách đây 7 năm từ đề án của Hà Lan. Với đặc điểm địa hình của Việt Nam, từ Bắc đến Nam đều có thế mạnh để phát triển du lịch nông nghiệp. Và từ khi Đảng Nhà nước xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì ngành này phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn nhiều lời chê về cách làm du lịch. Nhưng theo tôi, ngành du lịch Việt Nam phát triển như vậy là quá nhanh, vì khi chúng ta còn lo chiến tranh, nhiều nước đã làm du lịch và họ đã chuyên nghiệp. Do đó, theo tôi mình bớt chê lại, cùng nhau gắn kết có kế hoạch là du lịch bày bản thì phát triển”.

Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định: “Những năm trở lại đây, du lịch phát triển mạnh mẽ nhưng tập trung chủ yếu ở những vùng ven biển, đô thị lớn có điều kiện kinh tế xã hội, đầu tư hạ tầng phát triển. Đầu tư du lịch chủ yếu gắn với đầu tư bất động sản du lịch, đầu tư du lịch gắn với nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều hộ sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long có quy mô vừa và nhỏ, nên việc đầu tư cho phát triển du lịch gặp khó khăn nếu không có chiến lược phát triển và chính sách hỗ trợ phù hợp. Để khai thác du lịch cần phải đầu tư để tạo dựng cảnh quan, xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, thu hút lao động, bồi dưỡng thuyết minh, hướng dẫn viên... Và việc đầu tư cũng cần thời gian lâu dài”.

Năm 2017, Đồng bằng sông Cửu Long đã đón tiếp trên 20 triệu lượt khách tăng trung bình 9%/năm. Mặc dù lượng khách đến khu vực có sự tăng trưởng nhưng lượng khách lưu trú tại khu vực rất thấp (hơn 2 triệu khách lưu trú trong tổng số 20 triệu lượt khách). Mức chi tiêu của du khách tại vùng đồng bằng sông Cửu Long còn thấp hợp so với chi tiêu bình quân của khách du lịch Việt Nam.

Nguyễn Hành