Quảng Nam:
Ban hành kế hoạch bảo tồn di sản phi vật thể nghệ thuật bài chòi
(Dân trí) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch về bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2019-2025.
Theo đó, kế hoạch được triển khai nhằm mục đích bảo vệ, gìn giữ, kế thừa và phát huy có chọn lọc giá trị di sản văn hóa nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Đồng thời cũng thu hút, huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản phi vật thể nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh.
Có 12 nội dung được đặt ra trong kế hoạch giai đoạn 2019-2025, trong đó chú ý gắn kết nghệ thuật bài chòi với hoạt động du lịch nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản. Chẳng hạn như biên soạn tài liệu, tờ gấp giới thiệu để quảng bá, đưa chương trình biểu diễn bài chòi vào các tour du lịch tại địa phương.
Tổ chức trình diễn nghệ thuật bài chòi vào các chương trình, sự kiện cấp huyện, tỉnh; các ngày lễ, Tết để giới thiệu nghệ thuật bài chòi đến người dân, du khách trong và ngoài nước.
Khảo sát, kiểm kê, đánh giá toàn diện thực trạng về các giá trị văn hóa truyền thống của DSPVT Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh; điều tra, thống kê các nghệ nhân, Câu lạc bộ (CLB) đang thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi;..
Bảo tồn, phát huy hiệu quả hoạt động; khôi phục và kiện toàn các CLB/Nhóm bài chòi dân gian và các nghệ nhân dân gian hiện có trên địa bàn tỉnh. Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ CLB thực hành di sản tại các địa phương. Tạo điều kiện cho các CLB hoạt động; nghệ nhân Bài chòi tham gia trình diễn nghệ thuật bài chòi chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp thông qua các hội thi, liên hoan, hội diễn “Dân ca Bài chòi” do ngành VHTTDL tổ chức, đồng thời lồng ghép cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn hóa - nghệ thuật lấy cảm hứng từ nghệ thuật Bài chòi.
Hoàn thiện số hóa cơ sở dữ liệu về di sản nghệ thuật Bài chòi sưu tầm được từ trong dân gian, các CLB Bài chòi. Nghiên cứu, phục dựng lại các bản, làn điệu và hình thức biểu diễn của Nghệ thuật Bài chòi cổ;..
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhóm giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo tồn và phát huy giá trị; phổ biến di sản phi vật thể nghệ thuật bài chòi trong đời sống cộng đồng…
Hiện nay ở Hội An, nghệ thuật bài chòi được tổ chức hàng tuần ở đầu cầu An Hội; đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa không thể thiếu và thu hút rất đông du khách tham gia, tạo sân chơi bổ ích.
C.Bính