Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện:

"ACMECS tiềm năng rất lớn!"

(Dân trí) - Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã chủ trì hội nghị Bộ trưởng Du lịch lần thứ 3 của các nước tham gia Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (gọi tắt là ACMECS) bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam được tổ chức sáng ngày 7/9.

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện: "ACMECS tiềm năng rất lớn!"

“Thứ nhất, làm thế nào tăng lượng khách quốc tế đến các nước trong khu vực khi hiện nay mới đạt được 5%, các Bộ trưởng cho rằng cần đưa giải pháp đạt được 10% trong năm tới. Thứ hai, tăng lượng khách du lịch trong nội khối của các nước khi mà hiện nay chưa đến 9 triệu lượt du lịch lẫn nhau. Tiềm năng rất lớn, chúng ta cần phải đẩy lên", Ông Nguyễn Ngọc Thiện nêu ra hai mục đích mà các Bộ trưởng xác định là mục tiêu cần phải đạt được.

"ACMECS tiềm năng rất lớn!" - 1

Hội nghị bộ trưởng 5 nước về du lịch bền vững ACMECS đã chỉ ra hai mục tiêu chính (Ảnh: Khải Hoàng-Báo Văn Hoá)

Từ hai mục tiêu chính, hội nghị đã đưa ra các giải pháp:

Thứ nhất, cùng nhau phối hợp trong công tác xúc tiến và quảng bá hình ảnh của 5 quốc gia và của mỗi quốc gia.

Thứ hai, cải thiện cơ sở hạ tầng về giao thông và tạo điều kiện kết nối giao thông giữa các nước với nhau. Ở đây, các Bộ trưởng cho rằng rất cần thiết những chuyến bay thẳng các nước với nhau.

Thứ ba, cải thiện thủ tục đi lại, ở đây là vấn đề thị thực. Tức là, làm thế nào để đơn giản hơn thị thực, đến với nước này vẫn có thể đi lại dễ dàng các nước khác trong khu vực.

Thứ tư, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch đặc trưng. Đặc biệt chú trọng các sản phẩm văn hoá đặc sắc của mỗi nước, cảnh quan thiên nhiên, văn hoá ẩm thực.

"ACMECS tiềm năng rất lớn!" - 2

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL thông tin về nội dung tuyên báo chung của ACMECS

Các Bộ trưởng nhấn mạnh sự thiết yếu của việc liên kết sản phẩm du lịch đang được các nước ACMECS triển khai, đặc biệt ưu tiên các tuyến du lịch theo chủ đề đi qua nhiều nước, bao gồm:

(1) Hành lang duyên hải phía Nam (Campuchia, Mianma, Thái Lan và Việt Nam).

2) Con đường di sản phía Bắc (Lào, Thái Lan và Việt Nam).

(3) Con đường khám phá Mê Công (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam).

(4) Du thuyền trên sông Mê Công (Campuchia và Việt Nam).

(5) Con đường trung tâm (Mianma và Thái Lan).

(6) Du thuyền tam giác vàng sông Mê Công (Lào và Thái Lan).

(7) Đường số 8 (Lào, Thái Lan và Việt Nam).

(8) Hành lang Đông-Tây (Lào, Thái Lan và Việt Nam).

Phạm Nguyễn