Vướng xử lý nợ BHXH, hơn 190.000 lao động bị "treo"... quyền lợi hợp pháp

(Dân trí) - “Khoảng 1.400 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội do chủ doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản không thể đòi được đang ảnh hưởng đến 193.000 lao động. Trong khi đó, cơ chế xử lý những khoản nợ này còn chưa thống nhất…”


Công nhân Cty Texwell Vina chờ giải quyết chế độ khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Công nhân Cty Texwell Vina chờ giải quyết chế độ khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, trao đổi về "điểm tối" trong công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Theo đó, tình hình chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn và không trả lương cho người lao động diễn ra nhiều vào các năm trước đây.

“Cách đây 2 năm, Tổng LĐLĐ VN đề nghị Bộ LĐ-TB&XH soạn thảo và trình Chính phủ ban hành một nghị định hướng dẫn cụ thể nội dung của khoản 7 điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm xã hội của người lao động” - ông Mai Đức Chính nói.

Trường cụ thể là khi doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bỏ trốn không đóng phần kinh phí đã thu của người lao động cho quỹ BHXH.

187 hồ sơ DN nợ BHXH đã được chuyển tới Toà án

Theo Tổng LĐLĐ VN, thực hiện quy định của Luật BHXH năm 2014 về quyền của tổ chức công đoàn trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, khoảng 20 LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã gửi đơn khởi kiện 187 doanh nghiệp nợ BHXH.

Trong đó, Tòa án nhân dân các cấp đã hòa giải thành 28 vụ, tòa án cấp huyện ở 1 tỉnh (Long An) thụ lý 2 vụ, 48 vụ trả lại hồ sơ. Số còn lại tòa án không thụ lý giải quyết với 3 nhóm lý do: Không có giấy ủy quyền từ người lao động hoặc công đoàn cơ sở cho công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện; vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và đề nghị xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự; việc tranh chấp lao động tập thể về quyền chưa được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.

Đây là thực tế đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Số tiền nợ BHXH của các doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản đã vào khoảng 1.400 tỷ đồng. Đặc biệt, sự việc còn ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 193.000 người lao động trong toàn quốc.

Hệ luỵ của tình trạng này, ông Mai Đức Chính cho rằng, người lao động vô hình chung bị trở thành “con tin”. Chủ doanh nghiệp đã trừ lương của người lao động từ khoản đóng bảo hiểm, nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm.

“Đến lúc doanh nghiệp bỏ trốn thì xử lý quyền lợi người lao động ra sao? Trong khi đó, bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc không đóng thì không chi” - ông Mai Đức Chính băn khoăn.

Thực tế này khiến nhiều lao động lâm vào cảnh "dở khóc dở cười": Người đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn chưa được giải quyết hưởng chế độ do không có sổ bảo hiểm xã hội, khi ốm đau không có thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh.

Thậm chí, người lao động khi đã chấm dứt hợp đồng lao động muốn chuyển sang đơn vị mới không có sổ BHXH để cộng tiếp thời gian đóng BHXH hoặc có nhu cầu giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Được biết, Bộ LĐ-TB&XH đã trình dự thảo Nghị định về nội dung trên. “Nhưng khi đưa ra thẩm định lấy ý kiến thì có nhiều ý kiến của một số Bộ, ngành khác” - ông Mai Đức Chính nói.

Dự kiến trong cuộc làm việc với Thủ tướng vào đầu tháng 5/2018, Tổng LĐLĐ VN sẽ tiếp tục nêu lại kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành chỗ nào vướng thì phải nghiên cứu sớm ban hành nghị định hướng dẫn khoản 7 điều 10 Luật BHXH.

Liên quan đến vụ chủ công ty Texwell Vina bỏ trốn trong tháng 3/2018, ảnh hưởng tới quyền lợi lương và BHXH của hơn 1.900 công nhân, Tổng LĐLĐ VN đã đề nghị tỉnh Đồng Nai tạm sử dụng ngân sách ứng ra 50% để chi trả tiền lương nợ của doanh nghiệp tới người lao động. Ngoài ra, công ty còn nợ tiền đóng BHXH gần 20 tỉ đồng.

Theo ông Mai Đức Chính, Chính phủ đã ban hành quyết định về việc tạm dùng ngân sách để chi trả cho người lao động trong trường hợp doanh nghiệp suy thoái. Sau đó có thể thu hồi bằng cách bán tài sản của doanh nghiệp.

“Theo tôi nắm được, hiện nay tài sản của công ty Texwell Vina còn nhiều, sau này nếu tuyên bố phá sản thì bán tài sản, thanh lý để thu hồi” - ông Mai Đức Chính nói.

Hoàng Mạnh