Vụ 45 trường ĐH không được đào tạo cao đẳng: Sớm có giải pháp “hạ nhiệt”
(Dân trí) - Dự kiến trong chiều nay hoặc trong ngày mai (30/7), Bộ LĐ-TB&XH sẽ có giải pháp “hạ nhiệt” thông tin đang thu hút dư luận liên quan tới việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) ban hành công văn đề nghị 45 trường Đại học dừng tuyển sinh hệ cao đẳng trên cả nước hôm 17/7.
Nguồn cơ của sự việc bắt đầu từ quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019, theo đó: Cơ sở giáo dục đại học chỉ thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (gồm đại học, thạc sĩ, tiến sĩ).
Luật cũng quy định rõ hơn việc phân cấp đào tạo các hệ đại học và cao đẳng. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện công tác quản lý nhà nước công tác đào tạo hệ đại học, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) quản lý nhà nước công tác đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp.
Trước đó, năm 2015, Bộ Giáo dục đào tạo đã chủ động ban hành Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT yêu cầu các trường ĐH có tuyển sinh và đào tạo cao đẳng giảm 20% chỉ tiêu cao đẳng mỗi năm, để đến năm 2020 không còn bậc học này trong trường đại học.
Tuy nhiên cũng vào năm 2015, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực lại cho phép cơ sở giáo dục đại học cũng có thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp nếu đáp ứng đủ yêu cầu.
Tới thời điểm hiện nay, một số trường đại học đang thực hiện đào tạo hệ cao đẳng có những lý giải khác nhau về các quy định trên. Theo đó, căn cứ theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện thì vẫn có thể triển khai đào tạo hệ cao đẳng. Một mặt khác, tính chất pháp lý của Thông tư do Bộ ban hành không thể cao hơn so với quy định của Luật được.
Trước thực tế này, đứng ở góc độ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã ban hành công văn gửi các 45 trường Đại học dừng đào tạo hệ cao đẳng hôm 17/7.
Trả lời báo chí về vấn đề này, một lãnh đạo vụ pháp chế của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp giữ quan điểm cho rằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019 là văn bản pháp lý mới nhất được ban hành và việc đào tạo theo hệ nào cũng phải tuân theo quy định của Luật này.
Cũng trong sáng nay (29/7), một lãnh đạo của Bộ LĐ-TB&XH đã trả lời báo chí, theo đó về nguyên tắc các văn bản pháp luật không xung đột với nhau thì áp dụng văn bản có lợi cho người học và nhà trường trên nền tảng lấy chất lượng làm gốc.
Về tinh thần chung, Bộ LĐ-TB&XH là luôn đảm bảo quyền lợi cho các trường đại học và người đã nhập học, đã đăng ký học.
Sớm có công văn hướng dẫn các trường ĐH liên quan
Theo thông tin riêng của Dân trí, Bộ LĐ-TB&XH đang soạn thảo văn bản giải quyết rốt ráo vấn đề trên. Theo hướng các trường đại học có nhu cầu tuyển sinh hệ cao đẳng vẫn được thực hiện trong năm học 2019-2020. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của trường đại học, người đã nhập học cũng như đồng bộ với chỉ đạo của các bộ, ngành liên quan.
Dự kiến trong chiều nay hoặc ngày mai (30/7), công văn trên sẽ được ban hành nhằm “hạ nhiệt” vấn đề này.
Hoàng Mạnh