Quảng Trị:

Vợ chồng trẻ Vân Kiều kiếm gần 150 triệu đồng/năm từ trồng rừng, nuôi dê

(Dân trí) - Tận dụng nguồn vốn vay để chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đôi vợ chồng trẻ người Vân Kiều tại Quảng Trị đã tạo nên cơ ngơi vững chắc với hàng chục ha rừng tràm, phát triển đàn dê, trâu, bò… tạo ra nguồn thu nhập từ 120-150 triệu đồng mỗi năm.

Gần 15 năm trước, khi cuộc sống của phần lớn người dân Vân Kiều còn nhiều khó khăn, nhưng với tư duy đột phá, anh Hồ Văn Cường (SN 1979, trú tại thôn Ba Rầu, xã Mò Ó, huyện Đakrông, Quảng Trị) đã mạnh dạn sử dụng khoản tiết kiệm của gia đình và vay vốn để mua chiếc máy cày trị giá 15 triệu đồng.

Vợ chồng trẻ Vân Kiều kiếm gần 150 triệu đồng/năm từ trồng rừng, nuôi dê - 1

Chiếc máy cày được anh Cường mua cách đây gần 15 năm

Thời đó, chiếc máy cày chưa xuất hiện nhiều trên đồng ruộng, nhất là với tập quán canh tác khá đơn sơ của người dân miền núi. Nhưng anh Cường đã biến điều không thể thành có thể, đưa máy móc vào sản xuất, giải phóng sức lao động.

Anh Cường cho biết: "Tuổi thơ của tôi gắn bó với núi rừng, với những khó khăn, thiếu thốn của vùng quê. Vì thế, khi tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng, chứng kiến sự bứt phá vươn lên của nhiều địa phương, càng thôi thúc tôi thực hiện quyết tâm làm giàu".

Từ suy nghĩ đó, anh đã chọn việc phát triển kinh tế hộ và vận động thanh niên tăng gia lao động, xoá đói giảm nghèo và vươn lên khá giả trên chính quê hương Đakrông.

Vợ chồng trẻ Vân Kiều kiếm gần 150 triệu đồng/năm từ trồng rừng, nuôi dê - 2

Anh Cường xem việc phát triển rừng là bước đột phá trong phát triển kinh tế.

Anh Cường nhớ lại, từ những năm 2005, đứng trước yêu cầu của sự phát triển, đổi mới của địa phương, anh luôn trăn trở phải làm thế nào đó để đời sống gia đình thoát khỏi nghèo đói, có đủ điều kiện phục vụ nhu cầu đời sống như bao người dân khác.

“Sau khi lập gia đình, qua nghiên cứu, học tập các mô hình kinh tế có hiệu quả từ các huyện miền núi khác, tôi nhận thấy điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương là phù hợp với các loại cây công nghiệp ngắn ngày và trồng rừng.

Từ đó, tôi đã cùng gia đình hạn chế tối đa diện tích trồng lúa rẫy như trước đây mà quyết định dốc toàn bộ nguồn kinh phí tích luỹ được, vay thêm nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng xây dựng mô hình VACR (vườn-ao-chuồng-rừng)" - anh Cường cho hay.

Vợ chồng trẻ Vân Kiều kiếm gần 150 triệu đồng/năm từ trồng rừng, nuôi dê - 3

Đàn dê hàng chục con mang đến nguồn thu nhập nhờ bán thịt.

Để hiện thực hoá mô hình này, anh đã tập trung trồng chuối, ngô lai, sắn, trồng rừng và kết hợp chăn nuôi bò, dê, lợn… với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.

Bắt tay vào phát triển kinh tế, anh Cường nói rằng, mình phải chấp nhận khó khăn, vất vả giai đoạn đầu, bước vào giai đoạn đầu tư,  khai hoang, mới mong được sau này có tương lai no ấm.

Và, dẫu trong bộn bề khó khăn, việc anh Cường dám bỏ ra hàng chục triệu đồng, số tiền khá lớn thời kỳ đó để mua chiếc máy cày đã chứng tỏ sự quyết tâm vươn lên, thoát khỏi đói nghèo.

Chiếc máy cày đã góp phần nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động, mở đầu cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất đối với tập quán lao động của bà con nơi đây.

Qua 15 năm chịu nhiều vất vả, vợ chồng anh đã “đồng cam cộng khổ” để tạo dựng nên một nền tảng kinh tế khá vững vàng. Hiện anh Cường sở hữu 10 ha rừng cây keo tràm sắp đến tuổi khai thác, 3 ha đất màu, 5 sào lúa nước, 1 sào ao cá.

Ngoài ra, vợ chồng anh Cường cũng chú trọng chăn nuôi gia súc, gia cầm với đàn bò 8 con, đàn dê 20 con, 3 con trâu và hàng trăm con gà.

Nhằm tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, vào năm 2017, vợ chồng anh Cường đầu tư mua máy xay xát lúa,  trị giá 18 triệu đồng để phục vụ người dân trong thôn. Vợ anh là chị Hồ Thị Yên (SN 1982) cũng mở thêm quầy bán tạp hoá ngay tại nhà.

Vợ chồng trẻ Vân Kiều kiếm gần 150 triệu đồng/năm từ trồng rừng, nuôi dê - 4

Chiếc máy xay xát lúa phục vụ bà con cũng là bước tiến trong ứng dụng KHKT đối với người dân miền núi.

Theo anh Cường, với việc phát triển mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả nói trên đã mang đến nguồn thu nhập cho gia đình anh từ 120-150 triệu đồng mỗi năm, gia đình anh không còn phải lo cảnh thiếu ăn, thiếu mặc như trước đây.

Anh Cường cũng dự định thời gian tới sẽ tính toán để tiếp tục hướng đến việc trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình trang trại, mở rộng chăn nuôi dê bán thịt. Anh mong muốn cuộc sống của gia đình thời gian tới sẽ trở nên sung túc, thực sự trở thành điển hình của bà con trong thôn.

Vợ chồng trẻ Vân Kiều kiếm gần 150 triệu đồng/năm từ trồng rừng, nuôi dê - 5

Rừng cây tràm của anh Cường hứa hẹn sẽ mang đến nguồn thu hàng trăm triệu đồng.

Ngoài việc chú trọng phát triển kinh tế gia đình, anh Cường sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm cho người dân nào có nhu cầu.

Thời gian dài tham gia công tác mặt trận ở xã, anh tích cực vận động bà con thay đổi tập quán sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả…

Anh Cường chia sẻ: “Mình nhận thức được rằng, phong trào thi đua phát triển kinh tế là nội dung quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới. Vấn đề lao động, việc làm, xoá đói giảm nghèo cũng đang được chính quyền, nhân dân xã Mò Ó quan tâm. Trong đó, cần kể đến sự nỗ lực thực sự của mỗi người dân lao động. Nếu người dân có ý chí, quyết tâm và nghị lực, làm có phương pháp thì chắc chắn đời sống sẽ dần khá lên”.

Theo anh Cường, hiện gia đình anh đang chú trọng phát triển kinh tế hộ nên chưa cần lao động làm việc. Vào thời điểm bắt đầu trồng rừng và thu hoạch, gia đình anh thường thuê thêm nhiều lao động trong vùng với mức lương từ 150.000-200.000 đồng/ngày.

Ông Hồ Văn Do - Chủ tịch UBND xã Mò Ó, huyện Đakrông đánh giá, mô hình kinh tế của anh Cường bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho gia đình.

Với địa bàn miền núi, mô hình kinh tế tổng hợp, gồm: Trồng trọt kết hợp chăn nuôi, cùng dịch vụ máy xay xát của gia đình anh Cường được coi là điển hình tại thôn Ba Rầu và xã Mò Ó.

Bản thân anh Cường là cán bộ xã, với suy nghĩ và việc làm mạnh dạn trong sản xuất, mô hình kinh tế của anh Cường mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương học tập.

Đ. Đức