1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Trị: Đồng bào Vân Kiều, Pa Kô khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống

(Dân trí) - Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, mang đậm nét văn hóa của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô phía Tây Quảng Trị. Sau một thời gian dài tưởng chừng mai một, nghề này đã “hồi sinh” và đang ngày càng phát triển, tạo ra việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Được đánh giá là một nghề truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô bao đời nay, được truyền lại từ thế hệ cha ông. Trong đó, xã A Bung, huyện Đakrông được biết đến như “cái nôi” của nghề dệt truyền thống của đồng bào.

Những tấm vải thổ cẩm đầy màu sắc được dệt nên bằng tâm huyết, sự cần mẫn, chăm chỉ của các mẹ, các chị, góp phần giữ gìn bản sắc riêng của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô.

Quảng Trị: Đồng bào Vân Kiều, Pa Kô khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống - 1

Người dân mặc trang phục truyền thống trong các lễ hội.

Xã A Bung, huyện Đakrông là địa phương có nghề dệt thổ cẩm phát triển nhất huyện. Để giữ nghề truyền thống, xã đã tập hợp, thành lập được 4 tổ sản xuất chuyên dệt vải thổ cẩm của người PaKô, với sự tham gia của 25 phụ nữ ở các thôn Cu Tài 1, Cu Tài 2 và Ti Nê…

Chị Kăn Mèo, thôn Ti Nê, xã A Bung nói rằng, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống ngày xưa của dân tộc mình. Bản thân tôi đang cùng mọi người nỗ lực chung tay bảo vệ, cố gắng không để mất đi nghề này.

Phát triển nghề dệt thổ cẩm, tạo việc làm cho người dân

Bà Đoàn Thị Nga, xã A Bung, huyện Đakrông là người có quá trình gắn bó lâu năm với nghề dệt thổ cẩm. Bà Nga cho biết, nghề dệt thổ cẩm không chỉ đơn thuần là dệt ra những mảnh vải đẹp để dùng trong cuộc sống và sinh hoạt, nó còn chứa đựng cả linh hồn của người Pa Kô từ bao đời gửi gắm vào đó.

“Mấy năm trước, nghề đã bị mai một do không tìm được đầu ra. Rất may, được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, nghề dệt truyền thống của đồng bào được khôi phục, phát triển. Nhờ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cha ông để lại, chúng tôi không chỉ tạo ra được thu nhập cho gia đình mà còn thỏa mãn đam mê và gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ sau”, bà Nga tâm sự.

Ông Hồ Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã A Bung, cho biết: Việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm là cơ hội tạo việc làm cho chị em phụ nữ. Ngoài thời gian lao động làm nương rẫy, những lúc rảnh rỗi các chị có thể tập trung dệt để tăng nguồn thu nhập, cải thiện kinh tế cho gia đình.

Theo lãnh đạo xã A Bung, từ khi khôi phục, phát triển ngành dệt truyền thống của đồng bào, bà con rất phấn khởi khi những bộ trang phục truyền thống không chỉ nằm trong phạm vi của xã, còn ngày càng vươn xa được mọi người biết đến.

Quảng Trị: Đồng bào Vân Kiều, Pa Kô khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống - 2

Tổ hợp dệt thổ cẩm quy tụ nhiều chị em tại xã A Bung.

Chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, động viên, khuyến khích cán bộ, nhân dân, học sinh may, mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, Tết và đầu tuần.

Qua đó, góp phần tạo đầu ra cho sản phẩm, khuyến khích chị em hăng hái phát triển nghề dệt thổ cẩm. Mặt khác, xã đã phối hợp với huyện tăng cường tuyên truyền, quảng bá bằng việc giới thiệu, trưng bày tại các hội chợ thương mại của huyện, tỉnh…

Bà Hồ Thị Kim Cúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, nghề dệt thổ cẩm được xem là nghề truyền thống bao đời của bà con. Tuy nhiên, những năm trước, nghề này có phần bị lãng quên.

Chính vì vậy, để bảo vệ, giữ gìn nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, chính quyền địa phương đã kêu gọi các tổ chức, dự án nước ngoài quan tâm, hỗ trợ để phát huy, khai thác các tiềm năng, lợi thế có sẵn của nghề. Nhờ vậy, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương ngày càng phát triển.

“Hiện nay, nhiều cơ quan đoàn thể của huyện Đakrông đã sử dụng các sản phẩm dệt để may trang phục công sở, lễ hội và phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Với sự đồng sức, đồng lòng của chính quyền và bà con, nghề dệt thổ cẩm truyền thống sẽ hồi sinh, ngày càng phát triển”, bà Cúc nói.

Nghề dệt thổ cẩm đang ngày càng tạo ra nhiều việc làm cho nhiều phụ nữ tại huyện Đakrông, mang lại nguồn thu nhập cho người dân, đảm bảo cuộc sống ổn định, lâu dài cho bà con.

Đăng Đức