1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Vì sao đình công diễn ra nhiều và mang tính lây lan?

(Dân trí) - Có thể ví đình công là một sự nổ của quả bóng. Nó nổ khi hội đủ hai yếu tố: áp suất trong quả bóng tăng lên quá cao và quả bóng không có van xì bớt hơi. Đình công cũng sẽ tất yếu xảy ra khi đồng thời hội đủ hai yếu tố đó.

Những nguyên nhân của đình công

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Quan hệ lao động, Bộ LĐTB-XH, nguyên nhân dẫn đến đình công có thể chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những nguyên nhân tạo nên, tích tụ sức ép bùng phát (hay còn gọi là những nguyên nhân "tăng áp"). Thứ hai là nhóm những nguyên nhân liên quan đến sự yếu hoặc thiếu của những "van giảm áp" trong quan hệ lao động (QHLĐ) Việt Nam hiện nay.

Trong nhóm thứ nhất, những nguyên nhân thường dẫn đến đình công đó là: đòi tăng "giá", nâng lương; đòi quyền lợi hợp pháp của mình như điều kiện làm việc, bảo đảm thực hiện đúng luật lao động...; thậm chí còn có cả nguyên nhân từ phía chính quyền do can thiệp vào những việc đáng ra phải là trách nhiệm của hai bên, khiến hai bên mất động lực thương lượng cũng dẫn đến đình công ngay.

Trong nhóm thứ hai, có 3 "van giảm áp" quan trọng trong QHLĐ nhưng trong thời gian qua, cả 3 van đều chưa phát huy hiệu quả. Cụ thể là vấn đề thương lượng tâp thể và ký thoả ước lao động tập thể đã không được thực hiện hoặc nếu có thì hết sức hình thức.

Bên cạnh đó, chúng ta chưa có thiết chế dự báo tình hình và giải toả sức ép đình công, đồng thời hệ thống các tổ chức như cơ quan hoà giải, trọng tài và hệ thống tổ chức công đoàn không đủ hữu hiệu để giải quyết tranh chấp lao động và ngăn ngừa đình công.

Không thể dùng các biện pháp hành chính đơn thuần

Theo ông Cường, đình công là một hiện tượng xảy ra trong QHLĐ. Bởi vậy, nguyên tắc đầu tiên và xuyên suốt trong việc giải quyết đình công là phải dùng các giải pháp về QHLĐ. Các biện pháp hành chính đơn thuần sẽ không thể giải quyết được tận gốc của vấn đề.

Cái "chốt" của vấn đề ở đây chính là thương lượng tập thể, mà cái "chốt" của thương lượng tập thể lại là năng lực của công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở.

Bởi vậy, trước tình hình một số địa phương "nóng" về đình công như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, ông Cường đề xuất việc thực hiện thí điểm thành lập đội ngũ đàm phán chuyên trách cấp tỉnh. Các chuyên gia này sẽ xuống hỗ trợ các công đoàn cơ sở tiến hành đàm phán với chủ doanh nghiệp để thoả ước lao động tập thể.

Đồng thời tiến hành vận động ký thoả ước lao động tập thể tại 3 tỉnh nói trên trên cơ sở tự nguyện của 20 doanh nghiệp. Việc này thực chất đảm bảo sự hài hoà quyền lợi của hai bên.

Để xây dựng QHLĐ lành mạnh, pháp luật chỉ là điều kiện cần, thoả ước là điều kiện đủ. Chúng ta cần phải phân định rõ chức năng của các bên trong QHLĐ: Nhà nước hỗ trợ hai bên thương lượng và quản lý, giám sát kết quả thương lượng, còn hai bên tiến hành thương lượng và thực hiện những cam kết được đưa vào thoả ước - Ông Cường khẳng định.

Lan Hương