Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Công đoàn ở tuyến đầu trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá”

(Dân trí) - “Với những thành tích, vai trò to lớn trong 90 năm qua, sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết đảm bảo thành công cho công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019)

Sáng 28/7, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3, phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng.

Tổ chức tiên phong trong công nghiệp hoá

Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao những đóng góp to lớn của tổ chức công đoàn trong suốt sự nghiệp đấu tranh và xây dựng Tổ quốc.

Trải qua 9 thập kỷ hình thành và phát triển, công đoàn không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và là chỗ dựa tin cậy của Đảng. Công đoàn gắn bó khăng khít với nhân dân, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi chính đáng của giai cấp công nhân và người lao động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Công đoàn ở tuyến đầu trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá” - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam

Thủ tướng khẳng định: "Trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn kiên định, đoàn kết thống nhất, đổi mới sáng tạo, vận động, tổ chức, hướng dẫn công nhân và người lao động cả nước đi tiên phong trong lao động, sản xuất và đấu tranh cách mạng, kế thừa xứng đáng và làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng của dân tộc".

Ở giai đoạn đổi mới của đất nước, Thủ tướng đánh giá công đoàn đã có sự đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn.

Thủ tướng cho biết: “Tổ chức công đoàn cần nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập và đời sống, lắng nghe tâm tư của người lao động và đoàn viên công đoàn, tham mưu cho Đảng và nhà nước về các vấn đề liên quan tới việc làm, tiền lương, đời sống người lao động …”

Những năm gần đây, nhiều hoạt động đổi mới của tổ chức công đoàn đã thể hiện sự sáng tạo, tác động tốt tới xã hội, như: Tết sum vầy, Tháng công nhân, các mô hình thiết chế công đoàn nhằm tháo gỡ các vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt ở các khu công nghiệp, đối thoại hàng năm giữa Thủ tướng Chính phủ và công nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hoà…

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu về hiện đại hoá, công nghiệp hoá, hội nhập ngày càng sâu rộng, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho đất nước cũng như tổ chức công đoàn nhiều thời cơ và thách thức mới.

“Những điều này tiếp tục đòi hỏi công đoàn VN phải liên tục đổi mới mạnh mẽ và phát huy được thành quả to lớn của truyền thống 90 năm phát triển. Đồng thời, công đoàn phải khẳng định được vai trò chủ lực và định hướng dẫn dắt phong trào công nhân cả nước trong tình hình mới” - Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Công đoàn ở tuyến đầu trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá” - 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân Chương Hồ Chí Minh lần thứ 3 tới Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ VN.

Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý một số vấn đề về công tác xây dựng tổ chức công đoàn trong giai đoạn mới, như: Tiếp tục nắm vững, quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 20 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ CNH- HĐH; Tăng cường nâng cao chất lượng của đoàn viên công đoàn, chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước và bản chất giai cấp, tinh thần tự hào dân tộc trong đoàn viên và người lao động.

Gần 10,5 triệu đoàn viên công đoàn

Theo ông Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, sau 90 năm xây dựng và phát triển, tổ chức công đoàn đã trải qua 12 kỳ đại hội với các tên gọi khác nhau: Công hội Đỏ, Nghiệp đoàn ái hữu, Hội công nhân phản đế, Hội công nhân cứu quốc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Công đoàn Việt Nam và nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Ngày 28/7/1929, tại ngôi nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đông Dương Cộng sản Đảng, Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ chính thức được thành lập, do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu. Đây là tổ chức tiền thân của Công đoàn ngày nay.

“Tới nay, tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam đã lớn mạnh toàn diện với gần 10,5 triệu đoàn viên, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, tham gia đóng góp ngày càng to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - ông Bùi Văn Cường cho biết.

Cũng tại buổi lễ, đại diện Tổng LĐLĐ VN đã chia sẻ 5 truyền thống quý báu của tổ chức Công đoàn Việt Nam đúc kết trong 90 năm qua, đó là: Công đoàn Việt Nam luôn gắn bó máu thịt, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân và người lao động; tuyệt đối tin tưởng, trung thành với sự lãnh đạo của Đảng; là chỗ dựa tin cậy của Đảng; yêu nước, tự cường, kiên định, đoàn kết thống nhất, đổi mới, sáng tạo; đi tiên phong trong đấu tranh và lao động; luôn đứng ở vị trí trung tâm trong đời sống chính trị của đất nước.

“Công đoàn Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng quan hệ hài hòa với giới sử dụng lao động; đồng thời, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của phong trào công nhân và công đoàn thế giới” - ông Bùi Văn Cường khẳng định.

Những thách thức mới của tổ chức công đoàn

Theo ông Bùi Văn Cường, công tác công đoàn và phong trào công nhân còn một số hạn chế, bất cập và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

“Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; việc nước ta cam kết đảm bảo sự ra đời và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt Công đoàn trước những thách thức và yêu cầu mới chưa từng có. Trong khi đó, một bộ phận công nhân lao động có thu nhập thấp, đời sống còn khó khăn, việc làm không bền vững, bản lĩnh và giác ngộ giai cấp hạn chế, trình độ tay nghề và kỹ năng làm việc còn thấp, ít quan tâm đến các vấn đề phát triển đất nước…”

 Hoàng Mạnh