1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tổ chức Lao động Quốc tế:

Thế giới có thể mất gần 25 triệu việc làm vì Covid-19

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do Covid-19 có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu. Đây là đánh giá mới công bố vào trung tuần tháng 3 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Báo cáo đánh giá sơ bộ “Covid-19 và thế giới việc làm: Tác động và giải pháp” của ILO đã kêu gọi các quốc gia cần thực hiện ngay các biện pháp khẩn cấp, trên diện rộng và đồng bộ ở 3 trụ cột: Bảo vệ người lao động tại nơi làm việc, kích thích nền kinh tế và việc làm, hỗ trợ việc làm và thu nhập.

Nhiều kịch bản khác nhau

Theo ILO, diễn biến phức tạp và khó lường của Covid-19 có thể gây ra nhiều nhiều kịch bản đối với tăng trưởng GDP toàn cầu.

Chỉ tính riêng góc độ việc làm, ILO cho rằng số người thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng từ 5,3 triệu người (cho kịch bản “thấp”) đến 24,7 triệu người (cho kịch bản “cao”).

Thế giới có thể mất gần 25 triệu việc làm vì Covid-19 - 1

Người lao động tìm việc tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội.

Đây là số tăng thêm so với “nền” số lượng người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu người lao động trong năm 2019. 

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu việc làm cũng được dự báo sẽ tăng theo diện rộng, khi những tác động về kinh tế của Covid-19 sẽ khiến cả giờ làm và tiền lương bị giảm.

Nhóm lao động tự làm ở các nước đang phát triển, vốn được coi là “tấm đệm” giúp làm nhẹ bớt tác động của sự thay đổi đột ngột sẽ không còn tác dụng. Nguyên nhân là những hạn chế di chuyển đối với con người và hàng hóa.

Báo cáo đánh giá của ILO cũng chỉ rõ, việc giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động.

Nghiên cứu ước tính, con số này tương đương từ 860 tỷ - 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Điều này sẽ dẫn tới giảm tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ và từ đó tác động tới triển vọng của các nền kinh tế.

Cần phản ứng nhanh và đồng bộ

Trong bối cảnh như trên, ông Guy Ryder - Tổng Giám đốc ILO - nhận định: “Đây không còn là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, Covid-19 chính là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với thị trường lao động và kinh tế”.

Báo cáo của ILO cảnh báo, tác động của cuộc khủng hoảng việc làm tới một số nhóm lao động sẽ không đồng đều. Nguy cơ có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng.

Đối tượng bị ảnh hưởng lớn bao gồm những người được bảo vệ ít hơn và làm những công việc được trả lương thấp, nhất là lao động trẻ và lao động cao tuổi.

Cũng theo ông Guy Ryder, trong năm 2008, thế giới đã có sự đồng lòng để cùng nhau giải quyết các hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Từ đó đã tránh được những tác động tồi tệ nhất.

“Đó chính là điều chúng ta cần lúc này” - ông Guy Ryder kỳ vọng.

Tổng Giám đốc ILO kết luận: “Trong những lúc khủng hoảng như hiện nay, chúng ta có 2 công cụ chính có thể giúp giảm bớt những tác động tiêu cực và giúp phục hồi niềm tin của công chúng, đó là: Đối thoại xã hội và các tiêu chuẩn lao động quốc tế…”.

Trong đó, đối thoại xã hội bao gồm: Đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ … được coi là yếu tố rất quan trọng.

Công cụ này đóng vai trò quan trọng để xây dựng niềm tin của công chúng và hỗ trợ các biện pháp mà chúng ta cần thực hiện để vượt qua cuộc khủng hoảng.

Cũng theo ông Guy Ryder, việc tận dụng các tiêu chuẩn lao động quốc tế sẽ giúp cung cấp một nền tảng đã được thử nghiệm và khẳng định dành cho các phản ứng chính sách tập trung vào việc phục hồi một cách bền vững và công bằng.

ILO đánh giá cao Việt Nam trong việc kiềm chế Covid-19 

Theo ông Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, Việt Nam đã làm rất tốt công tác kiềm chế dịch Covid-19. Sự quyết tâm được thể hiện rõ qua thông điệp của Thủ tướng rằng Chính phủ chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho người dân.  

“Bây giờ là lúc bắt đầu hành động để giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của phần lớn người lao động, gồm cả khu vực kinh tế phi chính thức. ILO Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động trong những nỗ lực này...” - ông Chang-Hee Lee bày tỏ sự cam kết.

Hoàng Mạnh - Hoa Trần