1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thân phận lao động nữ Việt Nam nơi đất khách

Không chỉ tiền bạc là sức ép lớn nhất với các lao động, môi trường làm việc đầy rủi ro khiến nhiều chị em thực sự lâm vào bi kịch. Hàng vạn số phận người lao động Việt Nam đang ở Đài Loan là hàng vạn câu hỏi chờ các cơ quan quản lý lao động ở nước ngoài có biện pháp giúp đỡ.

Những câu chuyện buồn giữa tiền và… tình người

Trong số những chị em từng là nạn nhân của cha con tên Hồng Khánh Chương, Hồng Minh Dụ, chị M. là một trường hợp khá đặc biệt khi tháng 4/2005, tên Hồng đã đích thân đưa chị 2.000 USD hòng “bịt miệng” người tố cáo.

Thời gian đó, cảnh sát Đài Loan đã bắt đầu vào cuộc điều tra những vi phạm của Công ty Trung Hữu. Chị M. được chị em cùng cảnh ngộ đã từng qua tay Công ty môi giới Trung Hữu động viên đứng lên tố cáo. Bản thân chị M. từng bị đánh đập thâm tím mình mẩy, bị cưỡng bức, bị đe dọa trả về nước, còn bị cắt bớt tiền lương, nên rất phẫn nộ trước những gì mắt thấy tai nghe.

Phong thanh nắm được ý định của những người lao động dưới quyền, tên Hồng gặp chị M. và đưa chị 2.000 USD, hy vọng dùng tiền để loại trừ dần những nguy cơ bị đưa ra trước luật pháp.

Thực chất 2.000 USD đó là tiền tên Hồng cướp của lao động này đưa sang tay lao động kia. Chị M. cho biết, theo thoả thuận lương tháng của chị ở gia đình chủ là 15.480 Đài tệ cộng thêm tiền làm chủ nhật, tất cả gần 18.000 Đài tệ.

Song tháng đầu tiên tên Hồng chỉ đưa lương cho chị hơn 3.800 tệ (xấp xỉ 1,8 triệu VND/tháng), những tháng sau tăng lên xấp xỉ gần 5.000 với nhiều thứ tiền bị trừ vô lý. Tiền lương hàng tháng của chị M. Công ty cho phiên dịch qua lấy hết, Công ty Trung Hữu cho bao nhiêu chị biết bấy nhiêu.

Nếu tính cho đến tháng 5/2005, chị M. ở Đài Loan hơn 1 năm thì số tiền 2.000 USD kia cũng không đủ để trả bù vào số tiền Công ty Trung Hữu ăn bớt của chị.

Gần đây, chính báo chí Đài Loan cũng phải chạy những tít lớn đầu trang nhất: “Số phận người lao động nước ngoài nằm trong tay chủ công ty môi giới Đài Loan!”.

Công ty đưa đến đâu người lao động biết đến đây, đưa bao tiền biết bấy nhiêu. Tiền lương ít ỏi và những món nợ lớn ở quê khiến lao động giúp việc nhà ở Đài Loan trở thành những người yếu đuối ít sức phản kháng nhất.

Đến Đài Loan tháng 4/2004, chị Nguyễn D. được một công ty môi giới tại thành phố Cao Hùng cho biết, lương của chị là 15.480 Đài tệ/một tháng. Gia đình chủ nhà rất tốt, hàng tháng đều trả thêm tiền làm thêm 4 chủ nhật là 4.000 Đài tệ, tương đương gần 2 triệu VNĐ.

Tổng cộng lương tháng của chị D. xấp xỉ hai vạn Đài tệ. Vậy nhưng hết tháng đầu tiên, chị D. được thông báo bị trừ rất nhiều khoản tiền như: Khám sức khỏe tại Đài Loan, tiền trả lãi ngân hàng, tiền thuế nộp cho chính phủ, tiền công ty thu hộ cho môi giới phía Việt Nam, tiền đưa rước từ sân bay về công ty, tiền làm Thẻ cư trú, tiền phí quản lý cho Cty môi giới phía Đài…

Kết cục, 2 vạn tệ tiền lương chị D. chỉ được nhận về tay mình vỏn vẹn … 800 Đài tệ, tính ra chưa đến 400 ngàn tiền Việt. Nghẹn ngào trong nước mắt, chị D. gọi điện thoại cầu cứu đến tất cả những lao động Việt Nam chị quen biết ở đây, song tất cả chỉ… lắc đầu, không ai giúp gì cho chị D. được.

Không chỉ tiền bạc là sức ép lớn nhất với các lao động, môi trường làm việc đầy rủi ro khiến nhiều chị em thực sự lâm vào bi kịch. Năm ngoái, một lao động Việt Nam vì cứu con của chủ nhà khỏi đám cháy, do các cháu nghịch lửa làm cháy nhà, đã bị ngã và mất trí nhớ. Người quen của lao động này chỉ còn biết dẫn bạn mình tới một hiệp hội từ thiện để xin nương náu qua ngày.

Đài Trung cũng đã từng xảy ra vụ, một lao động giúp việc nhà Việt Nam, hơn 40 tuổi, vì chủ quịt tiền lương, đã phẫn uất nhẩy từ tầng 4 xuống, thành tàn phế, nằm trong viện không tiền lương cũng không được chủ nhà coi ngó, công ty làm lơ, một số người từ thiện phẫn nộ đã đưa sự việc lên báo chí. Sau 2 tháng trị liệu, vết thương đã lành song đi lại khó khăn, trí nhớ giảm sút, người lao động thực sự đã rơi vào đường cùng.

Theo số liệu mới nhất của ủy ban Lao động Đài Loan - cơ quan cao nhất quản lý các vấn đề về người lao động nước ngoài, tại Đài Loan hiện có hơn 300 ngàn lao động nước ngoài, đông nhất là lao động Việt Nam với 93.000 người, trong đó có tới 74.000 chị em đang giúp việc trong các gia đình người Đài, tập trung đông nhất tại Đài Bắc và Đào Viên.

Năm 2004, cũng từng có một vụ người giúp việc Việt Nam tại Đào Viên, vì chậm “kinh nguyệt”, nghi ngờ có thai, hoảng sợ trước viễn cảnh bị đuổi về nước, đã treo cổ tự tử trong chính gia đình nhà chủ. Cô gái ấy kết thúc cuộc đời nơi đất lạ ở tuổi 30.

Bảo vệ quyền lợi lao động Việt Nam tại Đài Loan: Vấn đề cấp bách

Tình trạng lao động giúp việc nhà tại Đài Loan, đặc biệt là phụ nữ phải đối mặt với những nguy cơ cao như bị xâm hại, lường gạt, quịt tiền…đã và đang trở thành hiện tượng xã hội đáng quan tâm ở Đài Loan.

Ai bảo vệ lao động Việt Nam tại Đài Loan? Và vì sao khi bị đối xử không công bằng, người lao động chỉ có phản ứng tiêu cực (bất hợp tác, phản kháng gia đình nhà chủ, trốn chạy…) chứ không tìm được một cách giải quyết hiệu quả và đúng pháp luật hơn?

Lý do thứ nhất là trình độ tiếng của chị em quá kém. Chiều 30/5/2005, khi được hỏi về tiến trình xử lý điều tra vụ cha con tên Hồng hiếp dâm lao động nữ Việt Nam, cảnh sát Đài Nam cho biết, họ cực kỳ khó khăn khi đi tìm chứng cứ.

Lao động Việt Nam nói kém, trình bày lung tung thậm chí nhiều khi cảnh sát không hiểu nạn nhân nói gì. Trình độ hiểu biết của lao động Việt Nam cũng còn thấp nên ngay khi sự việc xảy ra không hề đi giám định pháp y. Hiện tại cảnh sát cũng chỉ biết ghi nhận những lời kể, còn những vết thương trên thân thể của chị em không thể nào xác định.

Thậm chí cảnh sát cho biết, họ có thể rất khó xác định được thực chất các nạn nhân bị xâm hại đến mức độ nào. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của chị em cũng như phán quyết của toà án sau này.

Thứ hai là những kẽ hở quản lý trong quá trình đưa người lao động sang Đài Loan làm việc. Tiền lương, quyền lợi, bảo hiểm, chế độ làm việc của người lao động… tất cả hoàn toàn phụ thuộc vào công ty môi giới thu xếp.

Nếu có những sự kiểm tra, cam kết chặt chẽ về quản lý người lao động giữa công ty môi giới Đài Loan, Việt Nam và nhà chức trách hai phía, chắc hẳn hạn chế được rất nhiều tình trạng này. Không phải vô lý khi hàng vạn người lao động sang đây đều đành phải chấp nhận những sự thật cay đắng mà khi còn ở Việt Nam chưa bao giờ được báo trước.

Thứ ba là vấn đề nắm vững luật pháp và thông tin xã hội của người lao động. Ngay trong buổi phỏng vấn chiều 30/5, ông Trần Đông Huy, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan cũng phải công nhận, trong vụ án cha con họ Hồng, đối tượng là người nắm vững luật pháp và các kẽ hở của quản lý.

Ngay khi ta chưa bắt đầu yêu cầu điều tra khẩn cấp vụ án này, tên Hồng đã có được giấy chứng nhận “Liệt dương không hoàn toàn!” để chạy trốn tội lỗi. Người lao động Việt Nam cũng có thể theo đúng luật pháp, khi bị xâm hại thì liên hệ với Ban quản lý của Việt Nam và khẩn trương đi giám định y tế. Song không lao động nào làm như thế.

Hàng vạn số phận người lao động Việt Nam đang ở Đài Loan là hàng vạn câu hỏi chờ các cơ quan quản lý lao động ở nước ngoài có biện pháp giúp đỡ.

Theo Trang Hạ
Tiền Phong