1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

“Sửa Luật Lao động sẽ tác động tới hàng chục triệu lao động”

(Dân trí) - “Tới nay, dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012 đã nhận được sự góp ý của 70 cơ quan trung ương, bộ, ngành. Nhiều góp ý xác đáng đã được ghi nhận về tuổi nghỉ hưu, bình đẳng giới, khung giờ làm thêm, thống nhất giờ làm việc, bổ sung ngày nghỉ lễ…”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại cuộc họp lần cuối cùng của Ban soạn thảo dự án sửa đổi Bộ Luật Lao động 2012, trước khi Chính phủ trình dự thảo tại Kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội Khoá 14 (từ 20/5- 17/6). Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 14/5 tại Hà Nội.

Khoảng 70 bộ, ban, ngành góp ý

Với tư cách là Trưởng Ban soạn thảo dự án, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Luật Lao động có vai trò to lớn và tác động trực tiếp tới hàng chục triệu người lao động. Do đó, quy trình soạn thảo dự án sửa đổi Luật đã thực hiện kỹ lưỡng, tiếp thu các ý kiến đa chiều, đảm bảo sự thấu tình đạt lý và tôn trọng quyền lợi người lao động.

“Sửa Luật Lao động sẽ tác động tới hàng chục triệu lao động” - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại cuộc họp

“Dự án sửa đổi Luật Lao động năm 2012 gồm 221 điều. Ban soạn thảo đã sửa đổi về cơ bản dự thảo với nhiều nội dung lớn, đề cập tới các vấn đề chưa có tiền lệ, vấn đề nhạy cảm và luật hoá các cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, dự thảo đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và những điều tốt nhất dành cho lao động nữ…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Trên cơ sở thẩm tra của Bộ Tư Pháp, Bộ LĐ-TB&XH đã lấy ý kiến góp ý của các cơ quan trung ương, đăng trên website của Cổng thông tin Chính phủ để tiếp nhận ý kiến của nhân dân, tiếp thu sự phản hồi từ báo giới.

Với cách tính của Ban soạn thảo, nếu từ năm 2021, mỗi năm tăng thêm khoảng 3-4 tháng tuổi hưu. Đến năm 2029, cả nước sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62; năm 2036, mới có lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60.

Đồng thời, Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm định sơ bộ, Chính phủ cũng đã cho ý kiến 2 lần về dự thảo sửa đổi Luật Lao động và dự thảo Tờ trình.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm: “Ngoài việc xin ý kiến của 70 bộ, ngành, cơ quan trung ương góp ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đã chuẩn bị 12 văn bản liên quan tới hồ sơ trình Quốc hội, như: Dự thảo Luật, dự thảo Tờ trình, báo cáo tác động, báo cáo tổng kết, các dự thảo nghị định và quyết định kèm theo”.

Theo kế hoạch, dự thảo sửa đổi Luật Lao động sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) và các đại biểu quốc hội bỏ phiếu thông qua vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

“Sửa Luật Lao động sẽ tác động tới hàng chục triệu lao động” - 2

Nhiều vấn đề tranh luận

Bày tỏ quan điểm về các nội dung sửa đổi, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho rằng, việc tăng khung giờ làm thêm nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, việc làm thêm giờ cần đi đôi với cách tính lương luỹ tiến cho người lao động và giới hạn số giờ làm thêm trong tháng. Điều này nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng giờ làm thêm quá nhiều trong 1 tháng, việc không tuyển thêm lao động mới và thu hẹp thời gian chăm con nhỏ của lao động nữ” - ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Đề xuất điều chỉnh tuổi hưu có tính khả thi cao

Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH VN: Tuổi nghỉ hưu của nam giới hiện là 58,3 và nữ là 54,2. Trung bình là 56,3. Như vậy, đề xuất tăng tuổi hưu của nam và nữ từ năm 2021 theo lộ trình là có khả thi. Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ năm 2016 đã tác động nhiều quy định để người lao động có ý thức về các vấn đề tuổi hưu, lương hưu…

Về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng lộ trình tăng tuổi hưu, tính từ năm 2021, mỗi năm thêm từ 3-4 tháng đối với người lao động là phù hợp.

Tuy nhiên cần lưu ý cần tới nhiều đối tượng làm việc trực tiếp trong môi trường nặng nhọc, độc hại không thể làm việc được tới 60 hoặc 62 tuổi được.

“Ngay cả việc giảm tuổi hưu 5 năm cho những đối tượng đặc biệt cũng cần xem lại. Đơn cử như nhiều lao động ngành than chỉ hơn 40 tuổi đã sức yếu, mắt kém. Nguy cơ làm việc liên tục có thể gây nên tai nạn lao động…” - ông Ngọ Duy Hiểu góp ý.

Về thống nhất giờ làm việc, đại diện Tổng LĐLĐ VN tại cuộc họp cho rằng, cần lưu ý tới điều kiện vùng miền. “Nhiều công chức, viên chức ở huyện, xã có thói quen về nhà nấu cơm ăn trưa. Nếu nghỉ trưa 1 h thì có lẽ không đủ thời gian”.

Cũng trao đổi về các nội dung dự án sửa đổi Luật Lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), ủng hộ với phương án điều chỉnh tăng tuổi hưu từ năm 2021, theo lộ trình tăng tuổi hưu chậm, mỗi năm chỉ thêm 3-4 tháng tuổi hưu cho tới khi tuổi hưu của lao động nam đạt 62 và lao động nữ đạt 60 tuổi.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Quang Phòng cũng đề nghị sau khi dự thảo Luật được thông qua, Chính phủ cần quy định cụ thể lao động ở ngành nghề nào được nghỉ hưu sớm so với quy định.

Bàn về quy định trả lương cho giờ làm thêm, vị phó chủ tịch VCCI cho rằng khó thực hiện việc tiền lương lũy tiến vì cần đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Hoàng Mạnh