1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghề cứu hộ ở bờ biển Nha Trang

Thoạt nhìn, trông họ rất giống du khách đi dạo chơi, ngắm cảnh, nhưng thật ra họ đang âm thầm, lặng lẽ làm công việc cứu người. Nhiều người nghĩ công việc này nhàn nhã, nhưng ít ai ngờ, hơn 4 năm qua, Đội cứu hộ đã đem lại sự sống cho hơn 30 người…

Hiện nay, Đội cứu hộ đã có 12 thành viên chia làm 2 tổ với độ tuổi còn khá trẻ. Anh Bùi Tiến Thắng, tổ trưởng cho biết: "Làm nghề này không phân biệt mùa hè hay mùa đông, bởi mùa nào cũng có người muốn tắm biển". Tôi biết anh không nói đùa, vì có những ngày khi thời tiết chuyển sang mùa đông rét lạnh, nhưng có nhiều người vì thói quen vẫn "xuống nước". Những lúc như thế, các nhân viên cứu hộ lại càng "quan tâm" đến những con người này hơn.

 

Theo kinh nghiệm lâu năm trong nghề mà anh Thắng tiết lộ, mùa hè tuy có đông người tắm nhưng xác suất nguy hiểm lại ít hơn mùa đông. Vì mùa đông biển động, nước rất lạnh cộng thêm bãi tắm vắng vẻ, nếu bị đuối sức, hụt chân hay vọp bẻ thì ít có người phát hiện sớm để kêu cứu. Vì vậy, các nhân viên ở đây phải thường xuyên đi tuần tra, quan sát và có lúc "ra lệnh" cấm mọi người không được tắm.

 

Cứ nghĩ chuyện cứu hộ đơn giản, nhàn hạ, suốt ngày lang thang dọc bờ biển trông chẳng khác gì những du khách dạo chơi, ngắm cảnh, nhưng thật ra họ đang rất phải tập trung, căng mắt quan sát để phán đoán các tình huống có thể xảy ra. Và cũng mấy ai biết họ phải trải qua những giây phút vui buồn mà chỉ có người trong nghề mới thấu hiểu.

 

Anh Thắng nhớ lại, vào năm 2003, có một đoàn khách Bạc Liêu đi Nha Trang chơi. Sau khi nô đùa với sóng nước xong, cả đoàn lục tục kéo nhau đi về. Lúc này, họ mới phát hiện thiếu một người. Cả đoàn nhốn nháo kêu cứu vì quần áo, phao tắm còn mà người không thấy đâu.

 

Đội cứu hộ vội vàng lao đến, phân chia người bơi, người lặn nhưng tung tích nạn nhân vẫn bặt vô âm tín. Nhìn kim đồng hồ đã chỉ gần 7h tối, cả Đội đành phải lên bờ, đợi sáng mai tìm kiếm tiếp nhưng lòng ai cũng bứt rứt không yên. Đoàn khách buồn bã ra về, tia hy vọng về sự sống của người khách không may mắn đã bị dập tắt. Nhưng thật bất ngờ, khi cả Đội đang day dứt chuyện cứu hộ không thành thì người trưởng đoàn chạy đến thông báo, vị khách kia không bị chết đuối mà đang nằm ngủ ở khách sạn. Thì ra khi tắm xong, chị ta lên bờ đi thẳng về khách sạn nằm nghỉ mà quên không báo lại. Lúc đó, cả Đội chỉ còn biết nhìn nhau dở khóc, dở cười.

 

Việc quan sát mọi người tắm biển chủ yếu bằng mắt thường nên nhiều khi các anh bị hiểu nhầm là kẻ xấu, có ý đồ đen tối với các cô tắm biển. Cũng có nhiều trường hợp Đội phải lực bất tòng tâm bởi khi cứu người bị nạn lên bờ, anh em hô hấp nhân tạo và nhanh chóng đưa đến bệnh viện vẫn không cứu được. Anh Thắng cho biết, chỉ cần phát hiện nạn nhân trễ 5 phút thôi thì sẽ bó tay, nếu cứu được thì sức khỏe sau này cũng không thể hồi phục như ban đầu.

 

Gian nan, vất vả và nguy hiểm đến tính mạng là thế, nhưng anh em cứu hộ vẫn làm bằng cái tâm của mình. Với họ, cứu được mạng sống của con người là niềm vui không có gì thay thế được. Ngoài công việc cứu người, Đội cứu hộ còn phối hợp với Đội thanh niên xung kích bắt trộm.

 

Anh Hoàng Tấn Nghĩa có một kỷ niệm vui mà anh không bao giờ quên được. Đó là một lần khi đi tuần, anh phát hiện hai tên có dấu hiệu định trộm đồ của khách du lịch. Anh dừng chân, đứng quan sát hai tên đó. Tên trộm lấy được đồ thì bị anh phát hiện đuổi theo thì vị khách kia lại đuổi theo bắt anh vì tưởng anh mới là kẻ trộm. Vì sao mà có sự nhầm lẫn như vậy thì có lẽ đó là do bộ quần áo cứu hộ quá đơn giản nên ít người biết đến họ là ai.

 

Theo Khánh Ninh

Công An Nhân Dân