1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

(Dân trí) - “Chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế lâu dài theo hướng ngành nghề mà bà con lao động nông thôn đã được đào tạo. Có vậy mới tận dụng được tay nghề, trình độ của người lao động và giúp người lao động có việc làm ổn định, lâu dài”.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc với hai huyện Quốc Oai và Thạch Thất về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2019 hôm 31/10.

Hiệu quả từ công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu người lao động

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác đào tao nghề cho lao động nông thôn của các huyện Quốc Oai và Thạch Thất: “Báo cáo của các đồng chí không chỉ thể hiện là những con số mà là rất nhiều tâm tư, tình cảm, tâm huyết của cả hệ thống những người làm công tác đào tạo nghề cho người lao động nông thôn, từ cấp huyện, các đơn vị đào tạo, đến cấp xã”.

Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn - 1

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng đánh giá cao công tác tuyên truyền, khảo sát, đánh giá nhu cầu của người lao động cũng như xu hướng phát triển kinh tế của địa phương của huyện Quốc Oai. Đặc biệt, cả hai huyện Quốc Oai và Thạch Thất đều chú trọng công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu của người lao động, thẩm định hồ sơ, đặt hàng các đơn vị đào tạo từ đó tổ chức lớp học đúng sát với nhu cầu của người lao động cũng nhu xu thế phát triển kinh tế của địa phương.

“Từ kết quả khảo sát, các nghề lựa chọn đào tạo đã đáp ứng nguyện vọng của người dân và sát với nhu cầu của địa phương. Sau khi học xong, bà con đã có việc làm, tránh được thời gian nông nhàn, góp phần phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện”- bà Nhàn nhận xét.

Đồng thời lưu ý huyện Thạch Thất cần làm tốt hơn nữa công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu của người lao động, của địa phương. Tránh tình trạng người học nghề không áp dụng nghề được học vào thực tiễn làm việc, nghề đào tạo không phục vụ phát triển kinh tế địa phương. 

Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn - 2

Cũng theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Nhàn, các địa phương phải chú trọng gắn chương trình đào tạo nghề với mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, kể cả ở cấp xã, thị trấn. Cùng với đó, gắn mục tiêu, nội dung chương trình với nhu cầu của doanh nghiệp sẽ tuyển dụng lao động học nghề hoặc bao tiêu sản phẩm cho người học nghề.

“Làm sao để lao động sau khi học nghề đảm bảo được tuyển dụng, có việc làm, sản phẩm của người học nghề được doanh nghiệp đón nhận”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Nhàn nói.

Đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng đề nghị, chính quyền địa phương xây dựng chương trình phát triển kinh tế lâu dài theo hướng ngành nghề mà bà con lao động nông thôn đã được đào tạo. Trên cơ sở đó, tận dụng được tay nghề, trình độ của người lao động và giúp người lao động có việc làm ổn định, lâu dài. Phát huy được ý nghĩa của chương trình là tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho bà con nông thôn.

Hầu hết lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề

Trước đó tại buổi làm việc, Đoàn kiểm tra cũng đã nghe Báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn mỗi địa phương.

Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn - 3

Theo báo cáo, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở hai huyện Quốc Oai, Thạch Thất đã đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, tại huyện Quốc Oai, trong năm 2018, đã tổ chức được 56 lớp đào tạo nghề cho 1943 lao động. Sau học nghề, 1943 lao động có việc làm và làm đúng nghề đào tạo, đạt tỷ lệ 100%. Năm 2019, tính đến hết tháng 10, huyện đã tổ chức 45 lớp dạy nghề cho 1553 lao động, tăng 158 lao động so với kế hoạch. 100% lao động sau học nghề có việc làm và làm đúng nghề đào tạo.

Đối với huyện Thạch Thất, trong năm 2018, đã tổ chức được 36 lớp đào tạo nghề cho 1224 lao động. Sau học nghề, 1095 lao động có việc làm, đạt tỷ lệ 88%. Hết tháng 10-2019, huyện Thạch Thất đã tổ chức 32 lớp dạy nghề cho 1100 lao động. Đối với nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo là 461/540 học viên đạt tỷ lệ 85,3%; đối với nghề nông nghiệp, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt 100%.

Ghi nhận từ thực tế kiểm chứng kết quả đào tạo đối với người lao động sau học nghề của Đoàn cũng cho thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các Huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng, chỉ đạo thực hiện đồng bộ. Trong đó, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề được hai huyện đẩy mạnh với hình thức đa dạng, phong phú. Nhờ đó giúp đông đảo người lao động và nhân dân địa phương biết đến chính sách học nghề và hào hứng tham gia.

Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn - 4

Qua khảo sát, hầu hết người lao động đã và đang tham gia học nghề đều bày tỏ sự hài lòng và đánh giá cao về lớp học cũng như Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Những người đã học xong cho biết, họ vận dụng hiệu quả các kiến thức đã học vào phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao thu nhập.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp tuyển dụng lao động, kết quả công tác đào tạo nghề cũng đã được chứng minh. Một số doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo nghề đã đánh giá tay nghề của người lao động được nâng lên, năng suất chất lượng sản phẩm cũng tăng rõ rệt.

Minh Hằng