Doanh nghiệp dùng 2 bảng lương: Lương hưu của người lao động bị ảnh hưởng

(Dân trí) - “Tình trạng doanh nghiệp sử dụng 2 bảng lương diễn ra phổ biến, ảnh hưởng tới lương hưu sau này của người lao động. Đáng lý phải tính đủ mức tiền lương thực tế, doanh nghiệp chỉ dùng bảng lương để đóng BHXH gồm: Lương tối thiểu vùng cộng thêm từ 5-7 %”.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) nói về tình trạng 2 bảng lương trong doanh nghiệp.

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) - trả lời câu hỏi của PV Báo Dân trí về tình trạng doanh nghiệp dùng 2 bảng lương cùng một đối tượng người lao động.

Theo đó, tình trạng 2 bảng lương diễn ra nhiều năm nay và ở nhiều doanh nghiệp. “Ngay trong đợt khảo sát lương tối thiểu và đời sống công nhân do Tổng LĐLĐ VN thực hiện trong tháng 3-4/2018, chúng tôi vẫn còn phát hiện thấy nhiều trường hợp trên” - ông Lê Đình Quảng cho biết.

Cũng theo vị Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, nhiều doanh nghiệp có 2 thậm chí 3 bảng lương. Một bảng lương dùng để làm việc với cơ quan bảo hiểm xã hội, một bảng lương dùng để làm việc với cơ quan thuế và một bảng lương dùng để trả lương thực tế với người lao động.

“Với thang bảng lương dùng để tham gia BHXH, doanh nghiệp chỉ ghi mức lương của người lao động ngang bằng hoặc cao hơn từ 5-7% so với mức lương tối thiểu. Mục tiêu để tiết giảm chi phí. Mức ghi theo kiểu này chỉ bằng khoảng 30-50 % tiền lương thực tế của người lao động” - ông Lê Đình Quảng cho biết.

Trong khi đó, Luật BHXH năm 2014 đã ghi rõ: Từ ngày 1/1/2018, tiền lương đóng BHXH được tính trên mức lương, phụ cấp và khoản bổ sung khác.

“Ngoài một số khoản bổ sung có tính chất phúc lợi và không ổn định đã được loại trừ và không phải đóng BHXH, doanh nghiệp vẫn đóng BHXH mới mức lương thấp hơn rất nhiều so với thu nhập của người lao động. Đây là sự xâm phạm quyền lợi của người lao động” - ông Lê Đình Quảng chỉ rõ.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, mức đóng BHXH thấp hơn thực tế tất yếu dẫn tới lương hưu sau này của người lao động sẽ thấp.

Về giải pháp, ông Lê Đình Quảng cho rằng, cần tăng cường sự minh bạch và đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và xử phạt nghiêm minh để không cho phép tồn tại tình trạng 2 bảng lương tại doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của người lao động.

“Các ban, ngành cần nâng cao trách nhiệm giám sát, trong đó có trách nhiệm của tổ chức công đoàn cơ sở. Vai trò của công đoàn rất lớn trong việc xây dựng, giám sát việc thực hiện thang, bảng lương nhưng thực tế triển khai còn nhiều hạn chế” - vị Phó trưởng Ban quan hệ lao động cho biết.

Ngoài ra, chính sách về BHXH, tiền lương cũng cần tiếp tục hoàn hiện theo hướng linh hoạt, hấp dẫn. Qua đó để người sử dụng lao động và người lao động có ý thức cao hơn trong việc thực hiện BHXH.

Hoàng Mạnh