1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lương tối thiểu đề xuất tăng 5,3 %: Các bên nói gì sau cuộc họp sáng 13/8

(Dân trí) - Trưa 13/8, tại Hải Phòng, sự đồng thuận điều chỉnh lương tối thiểu năm 2019 giữa Tổng LĐLĐ VN và VCCI đã dừng ở mức tăng thêm 5,3 %, so với mức của năm 2018. Tuy nhiên, phía sau con số 5,3 % còn là quan điểm có phần khác nhau của mỗi bên.


Phiền đàm phán lần 3 lương tối thiểu vùng 2019. Ảnh: C.G

Phiền đàm phán lần 3 lương tối thiểu vùng 2019. Ảnh: C.G

“Chưa phải mức kỳ vọng của Tổng LĐLĐ VN”

Trao đổi với PV Dân trí, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho biết: Đây không phải là mức đề xuất tăng mà Tổng LĐLĐ VN đã đưa ra trước đó.

“Chúng tôi kỳ vọng ít nhất mức tuyệt đối của năm ngoái, tức là tăng 6,1 %, tương đương với việc tăng từ 180.000-230.000 đồng trên 4 vùng lương. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, chúng tôi đã có những chia sẻ với doanh nghiệp” - ông Mai Đức Chính nói.

Do đó, Tổng LĐLĐ VN đã chấp thuận, mức lương tối thiểu vùng năm 2019 sẽ tăng thêm 5,3 % so với lương tối thiểu vùng năm 2018. Mức đề xuất tăng trên, tương đương với việc tăng từ 160.000 - 200.000 đồng trên 4 vùng lương. Đồng thời, chênh lệch so với năm 2018 chỉ 20-30.000 đồng.

Ông Mai Đức Chính cho rằng điều này tạm chấp nhận được.

Vậy trong năm 2019, mức tăng lương tối thiểu sẽ là bao nhiêu để đạt theo tinh thần của Nghị quyết 27/NQ-TW: “Mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu”?

Theo ông Mai Đức Chính, Hội đồng tiền lương Quốc gia cho rằng thực tế, lương tối thiểu năm 2018 đã đáp ứng được 92-94 % mức sống tối thiểu.

“Nếu tính đầy đủ, mỗi năm cần tăng thêm 3 % lương tối thiểu và khoảng 4 % bù trượt giá. Như vậy, nêu tính đầy đủ mỗi năm cần tăng 7 %. Năm nay chỉ tăng 5,3 % thì sức ép về điều chỉnh tăng lương tối thiểu cho năm 2020 sẽ không nhỏ” - ông Mai Đức Chính dự báo.

Tạm tìm sự đồng thuận

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp (VCCI): “Kết quả này chưa thoả mãn mong muốn của giới chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, Hội đồng tiền lương Quốc gia hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận và cần có sự nhân nhượng. Do đó chúng tôi đã bỏ phiếu đồng thuận mức 5,3 %”.

Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Phòng lưu ý, với mức đề xuất tăng 5,3 %, cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong năm 2019. Bởi trong bối cảnh hoà nhập sâu và rộng, doanh nghiệp cần nâng cao nguồn lực và khả năng cạnh trên sân nhà và sân đối phương.

“Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng người lao động cần nâng cao ý thức làm việc, năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của công việc” - ông Hoàng Quang Phòng nói.

Nhận định về mùa tăng lương tối thiểu 2020, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, mức đề xuất tăng lương tối thiểu khi đó sẽ là một thách thức lớn cho diễn biến của mùa đàm phán năm 2019.

“Doanh nghiệp đang đương đầu với câu chuyện cạnh tranh trong và ngoài nước. Chúng tôi cần sự chia sẻ của các cấp và người lao động trong mục tiêu tạo việc làm đàng hoàng cho người lao động” - ông Hoàng Quang Phòng cho biết.

Mức đề xuất tăng 5,3 % là tạm chấp nhận được

Ông Phạm Minh Huân - Nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia: Mức đề xuất tăng 5,3 % so với lương tối thiểu vùng năm 2018 là một kết quả tạm chấp nhận được.

“Đương nhiên người lao động sẽ muốn tăng cao hơn. Nhưng cũng cần lưu ý tới "sức khoẻ" của doanh nghiệp. Việc điều chỉnh ở mức 5,3 % thể hiện sự hài hoà quyền lợi giữa các bên. Vừa đáp ứng được tỉ số trượt giá và “dưỡng sức” cho doanh nghiệp” - ông Phạm Minh Huân nói.

Hoàng Mạnh