1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lương tối thiểu 2019: VCCI đề xuất tăng 2% khi kết thúc đàm phán lần 2

(Dân trí) - Sau 3 giờ tranh luận tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH, trưa 26/7, phiên đàm phán lần 2 về lương tối thiểu vùng năm 2019 đã kết thúc nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, khoảng cách đề xuất tăng 8 % của các bên đã bị phá vỡ, bởi VCCI đột ngột đề xuất tăng 2 %.


Phiên đàm phán lương tối thiểu lần 2, sáng 26/7 tại Hà Nội.

Phiên đàm phán lương tối thiểu lần 2, sáng 26/7 tại Hà Nội.

VCCI: Chuyển từ 0% lên… 2 %

Trao đổi với PV Dân trí sau phiên họp lần 2, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) - cho biết: “Thay vì đề xuất không tăng như phiên đầu tiên, tại phiên sáng nay, chúng tôi đã đề xuất tăng 2 % so với mức lương tối thiểu năm 2018”.

Lý giải về sự cân đối cần có trong mức đề xuất mới, đại diện đàm phán của VCCI cho rằng trước đó, khu vực doanh nghiệp đã phải chi phí cho tăng lương tối thiểu 2018: “Từ ngày 1/7, lương cơ sở dành cho công chức, viên chức trong khu vực công đã tăng thêm 90.000 đồng (từ 1.300.000 lên 1.390.000 đồng). Trong khi trước đó 7 tháng, từ ngày 1/1, lương tối thiểu của khu vực doanh nghiệp đã tăng thêm từ 180.000 - 230.000 đồng”.

Trong phiên họp lần 1 diễn ra ngày 9.7, Tổng LĐLĐ VN đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8% (từ 220.000 - 330.000 đồng/tháng). Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2019, mà giữ mức lương tối thiểu như hiện tại.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, việc điều chỉnh mức đề xuất 2 % đã phần nào tính tới sự cân đối giữa đảm bảo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cải thiện chất lượng việc làm, tạo thêm nguồn việc làm mới.

Đại diện đàm phán của VCCI cho hay, mức đề xuất điều chỉnh 2 % đã phải vượt qua nhiều quan điểm trái chiều.

“Trước phiên đàm phán này, nhiều Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước đã gửi kiến nghị đề xuất không điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2019, như: Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc, Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam...” - ông Hoàng Quang Phòng nói.

Tổng LĐLĐ VN: Giữ mức 8 %

Trong khi đó, quan điểm của Tổng LĐLĐ VN tại phiên đàm phán sáng nay vẫn không thay đổi.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Quang Thọ - thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) - nêu ra 3 ý chính để bảo vệ quan điểm giữ nguyên đề xuất tăng 8 %.

“Điều đầu tiên cần quan tâm là mức trượt giá tới nay đã gần 4 %. Do đó việc điều chỉnh lương tối thiểu không thể ở mức 2 % như VCCI đưa ra. Nếu như vậy, người lao động chưa thể giải quyết được bài toán chi phí sinh hoạt tối thiểu cho mình và gia đình” - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn nói.

Lý do thứ 2, ông Vũ Quang Thọ cho rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng hơn 7,0 % so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong nhiều năm qua.

“Kết quả cao như vậy một phần do công sức đóng góp của người lao động. Giới chủ cũng cần để người lao động được hưởng thành tựu về phát triển kinh tế. Do đó, mức tăng cần phải khoảng 8 % chứ không thể 2 % như VCCI đưa ra” - ông Vũ Quang Thọ nói.

Cuối cùng, Viện trưởng Viện công nhân công đoàn đưa ra quan điểm tuân thủ lộ trình của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, theo đó: Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu vào năm 2020.

“Nếu chúng ta không duy trì mức tăng 8 % cho năm 2019, sang năm 2020, tỉ lệ tăng lương tối thiểu sẽ phải rất cao để thực hiện lộ trình đã nêu của Nghị quyết T.Ư. Đây là điều mà VCCI nên cân nhắc” - ông Vũ Quang Thọ nói.

“CPI tăng cao thì tăng lương tối thiểu khó có ý nghĩa”

Theo bà Tống Thị Minh - thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH): "Bức tranh kinh tế cũng có phần khả quan hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Tuy nhiên, thách thức kinh tế 6 tháng cuối năm còn lớn: Chỉ số CPI đã cận kề mức 4%, Chính phủ đang “gồng mình” để có những điều chỉnh giữ nhằm được mức CPI trên để đảm bảo tiền lương thực tế của người lao động. Nếu CPI tăng cao nữa thì tăng lương tối thiểu sẽ khó có tác dụng".

Hoàng Mạnh