1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chọn một nghề để sống chết

“Vươn lên để nâng cao trình độ, yêu nghề nghiệp và phấn đấu vì sự vững mạnh của đơn vị mình. Đó là giá trị mà các thế hệ người thợ TPHCM đã giữ gìn, xây dựng”.

Phó bí thư Thành đoàn TPHCM Trần Trọng Tuấn đã tôn vinh những phẩm chất cao đẹp của thanh niên công nhân TP trong buổi gặp gỡ 120 điển hình sáng 5/5 do Thành đoàn tổ chức. 

Anh hùng ngày xưa và thế hệ vàng hôm nay  

Cả hội trường hồi hộp lắng nghe câu chuyện thời cắp sách của anh hùng lao động Trần Thị Đường. 15 tuổi đi du học (Ba Lan), cô nữ sinh Đường đã cùng đoàn HSVN đưa lá cờ VN giành thứ hạng đầu giữa HS trên 52 nước.

 

Trong 40 năm gắn bó cùng ngành công nghiệp, nguyên là tổng giám đốc Công ty dệt Phong Phú, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, người phụ nữ này đã đưa một công ty từ doanh thu 100 tỉ đồng/năm lên đến mức kỷ lục: 1.000 tỉ đồng/năm bằng những cuộc cải cách về nhân lực: đưa cán bộ đi học nước ngoài, mở lớp ngoài giờ cho công nhân viên học ngoại ngữ, tin học; tham gia những cuộc đấu thầu quốc tế...

 

“Đón đầu hội nhập không chỉ bằng những đơn hàng xuất khẩu mà từng con người cụ thể, biết học hỏi vươn lên, đủ sức cạnh tranh” - người nữ anh hùng nói.

 

Hình ảnh người công nhân VN không thể dừng lại ở những con số trình độ thấp, chất lượng sản phẩm thấp, không biết hội nhập và sử dụng những công cụ tiên tiến. Một thế hệ hôm nay quyết “tỏ mặt” trên trường quốc tế.

 

Chàng trai vàng Nguyễn Văn Phúc (công nhân Tổng công ty Cơ khí ôtô Sài Gòn) đã vượt qua thí sinh 11 nước, đoạt huy chương vàng kỹ thuật viên khu vực châu Á (ngành hàn), đồng thời đoạt bàn tay vàng (giải nhất) kỹ thuật viên Toyota toàn quốc. Tại đây, Phúc làm quen một số dụng cụ kỹ thuật mới của một số nước bạn có nền công nghiệp ôtô phát triển, vậy mà đoạt giải vàng cả hai lần thi là sự bất ngờ thú vị.

 

Thượng Mỹ An (1982) thì sau khi chia tay giấc mơ ĐH, theo học Trường trung học Nghiệp vụ du lịch và khách sạn. Năm 2002 cô gái nhỏ nhắn ấy đã đem về huy chương bạc từ hội thi tay nghề trẻ cấp ASEAN; rồi giải ba cuộc thi Coupe Georges Baptiste Internationale tại Rouen (Pháp).

 

Giữ mãi ngọn lửa người thợ!

 

Bí quyết của những người thanh niên công nhân thành đạt trong cuộc gặp là: học hỏi không ngừng. Cả hội trường đã “ồ” lên thán phục khi nghe những câu chuyện của chị Nguyễn Thị Bích Thủy (Xí nghiệp Cao su Hóc Môn) - anh hùng lao động từ năm 25 tuổi. Từ một công nhân trình độ lớp 5, muốn nâng cao năng suất làm lốp cho nhà máy, chị ôm vở đi học.

 

Trong những ngày thi cuối cấp III, tình trạng sắp “bể bầu” nhưng chị vẫn cố gắng hoàn thành các môn thi rồi vào viện sinh em bé. Ba tháng sau, chị lại có mặt trên giảng đường Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Những câu hỏi “vì sao?” luôn đặt ra trong quá trình làm việc và cứ như thế chị đã “đẻ” ngót nghét vài chục ý tưởng cải tiến, sáng kiến cho đơn vị.

 

Với anh Phạm Văn Hồng (Công ty Công trình đô thị Q. Phú Nhuận), rong ruổi trên khắp nẻo đường hằng ngày cùng chiếc xe rác, giữ cho TP sạch sẽ, nhưng với đam mê môn tiếng Anh, anh đã tự nhín đồng lương ít ỏi của mình đi học lần lượt lấy bằng A, B và lấy luôn cả bằng C. Anh tự tin thi và đậu vào đại học khoa tiếng Anh. Nhiều lời xầm xì “học cho lắm cũng quét rác” nhưng anh vẫn kiên trì đến giảng đường.

 

Tốt nghiệp đại học, bản thân anh có hai luồng suy nghĩ: một là xin việc khác phù hợp với ngành học, hai là tiếp tục nghề quét rác và Hồng đã chọn hướng thứ hai, lý do: “Nghề nào cũng cao quí. Anh em đồng nghiệp trong công ty đã cùng tôi đi học, giúp tôi quyết định ở lại tiếp tục đóng góp cho công ty”. Hiện nay anh là tổ trưởng tổ vệ sinh của công ty.

 

“Mỗi người thợ trong từng vị trí, thời kỳ đều gửi thông điệp đến bạn trẻ hôm nay: hãy chọn cho mình một nghề nghiệp và hãy sống tâm huyết với nó”- anh Trần Trọng Tuấn một lần nữa khẳng định.

 

Theo Nguyễn Bay, Kim Anh
Tuổi Trẻ