1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cà Mau: Xuất khẩu lao động gặp khó

Hầu hết thị trường xuất khẩu lao động tại Cà Mau là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tuy nhiên, những nước này đang đối mặt với COVID-19 nên kế hoạch xuất khẩu lao động của Cà Mau gặp nhiều khó khăn trong năm 2020.

Hầu hết thị trường xuất khẩu lao động tại Cà Mau là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tuy nhiên, những nước này đang đối mặt với COVID-19 nên kế hoạch xuất khẩu lao động của Cà Mau gặp nhiều khó khăn trong năm 2020.

Đối tác ngưng tuyển dụng

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Cà Mau Từ Hoàng Ân cho biết: “Do dịch bệnh bùng phát, công tác triển khai tuyên truyền, vận động, tuyển dụng lao động tại địa phương gặp không ít khó khăn.

Cà Mau: Xuất khẩu lao động gặp khó - 1
Thanh niên Cà Mau tìm hiểu thị trường lao động tại phiên chợ việc làm tỉnh. Ảnh: Nhật Hồ

Mọi hoạt động đang chững lại. Sở chủ yếu chỉ đạo các địa phương vận động lao động tại địa bàn đăng ký tham gia, khi nào dịch bệnh ổn định sẽ cho lao động lên các trung tâm để đào tạo”.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là những thị trường thu hút đông lao động của tỉnh đến làm việc. Theo Sở LĐTBXH Cà Mau, Hàn Quốc hiện có 42 du học sinh và lao động diện xuất khẩu của tỉnh, chưa kể phụ nữ theo chồng, gia đình, người thân đến sinh sống, lao động.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục lây lan tại Hàn Quốc, vừa qua, sở đã có công văn gửi Trung tâm Lao động ngoài nước đề nghị đơn vị này quan tâm đối với lao động ở Cà Mau sang làm việc tại Hàn Quốc.

Đồng thời, sở đề nghị các công ty đang sử dụng lao động Cà Mau hướng dẫn họ cách phòng, chống dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. 

Riêng đối với thị trường lao động Nhật Bản, tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đưa 5 lao động sang làm việc. Trong năm 2019, tỉnh đã đưa 232/315 lao động xuất khẩu lao động qua đất nước này, nâng tổng số người Cà Mau hiện làm việc tại đây khoảng 400 người.

Theo kế hoạch, năm 2020, tỉnh dự kiến tiếp tục đưa khoảng 300 lao động nữa sang Nhật Bản. Hiện tại, các công ty Nhật Bản tạm thời ngưng tuyển dụng, khi dịch bệnh ổn định sẽ tiếp tục phỏng vấn.

Khó đạt con số 500 lao động

Nói về chỉ tiêu 500 lao động xuất khẩu lao động sang các nước, ông Ân cho hay, để chủ động trong công tác này, ngay từ đầu năm, Sở LĐTBXH đã xây dựng kế hoạch tập trung tuyên truyền trong lực lượng thanh niên mới vừa xuất ngũ trở về địa phương tham gia xuất khẩu lao động.

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp chặt chẽ với các trường nghề, trường cao đẳng, đại học trong tỉnh và ngoài tỉnh có sinh viên Cà Mau theo học và cả trường THPT để tổ chức tư vấn về xuất khẩu lao động. Nhưng học sinh, sinh viên đang trong giai đoạn nghỉ học nên chưa triển khai được.

Do vậy, để đạt được kết quả này, Sở LĐTBXH tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về hoạt động xuất khẩu lao động đến người dân để họ nắm rõ thông tin, nâng cao nhận thức về thị trường lao động nước ngoài cũng như chế độ chính sách của đề án xuất khẩu lao động đối với những đối tượng được thụ hưởng.

Từ đó, người lao động có thể lựa chọn thị trường cho phù hợp. Tuy nhiên, tất cả vẫn còn phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch bệnh. 

Theo Nhật Hồ/Lao động