Trả lương theo vị trí việc làm: Nếu giữ ghế suốt đời...
Xác định được vị trí việc làm cho thật chuẩn thì các bước tiếp theo cũng sẽ chuẩn.
Khó nhất là xác định được vị trí việc làm thật chuẩn
Mới đây, tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Nội vụ phải rà soát các vị triến hiện có trong hệ thống chính trị đề xây dựng chế độ tiền lương.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Phải xây dựng vị trí việc làm để có căn cứ tuyển dụng, đánh giá và trả lương. Vị trí nào mức lương đó, kể cả anh đang ở trên mà bị điều xuống dưới thì giảm lương, không có kiểu sống lâu lên lão làng".
Đặc biệt, quy định trả lương theo vị trí việc làm phải luôn gắn với kết quả thực hiện công việc ra sao?
Kết quả đạt được đến đâu thì được hưởng lương tới đó, mức lương phải quy định theo công việc và hiệu quả, trách nhiệm của công việc, không nhất thiết phải đi theo thứ bậc hay điểm xuất phát.
Đánh giá cao chỉ đạo của Chính phủ, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, nếu thực hiện được việc trả lương theo vị trí việc làm và chức danh, chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của nhà nước, bảo đảm tương quan hợp lí với tiền lương trên thị trường lao động là một bước đột phá lớn.
Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, quy định trả lương theo vị trí việc làm sẽ loại bỏ tư duy điều hành theo mô hình chức nghiệp, nâng lương theo kiểu “sống lâu lên lão làng”, cứ 3 năm, 5 năm lại tăng một bậc lương, làm hạn chế khả năng, động lực phát triển của con người.
Tuy nhiên, vấn đề khó nhất theo vị chuyên gia là làm sao xác định được vị trí việc làm cho thật chuẩn? Đây là câu hỏi khó, khiến các cơ quan, bộ ngành phải suy nghĩ.
"Vừa rồi trong đề án cải cách chính sách tiền lương cũng có xây dựng vị trí việc làm, theo đó, có quyết định công nhận mỗi địa phương, cơ quan, bộ, ban, ngành có bao nhiêu vị trí việc làm rồi nhưng sau khi xây dựng vị trí việc làm thì tất cả các Bộ ngành đều tăng thêm biên chế. Như vậy, xây dựng vị trí việc làm là bắt buộc nhưng xây dựng thế nào cho chuẩn, cho đúng mới là quan trọng. Nếu xây dựng vị trí việc làm không đúng, không chuẩn thì việc trả lương cũng bị sai lệch, méo mó", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nói.
Vấn đề tiếp, ông cũng cho hay, khi xác định vị trí việc làm để trả lương thì phải dựa trên cơ sở đánh giá là hiệu quả công việc. Nhưng trên thực tế, việc đánh giá hiệu quả công việc cũng lại là một băn khoăn lớn.
"Lâu nay việc đánh giá hiệu quả công việc vẫn dựa trên phương pháp truyền thống là để nhân viên trong cơ quan tự đánh giá lẫn nhau và cuối cùng khi bình bầu ai cũng tốt, ai cũng hoàn thành công việc hết cả.
Nhất là theo đề xuất mới của Bộ Nội vụ, khi đánh giá cán bộ công chức thì có đề xuất tiêu chí "hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực", đây là một tiêu chí mang tính hình thức, bởi đã hoàn thành rồi thì không ai đánh giá là hạn chế năng lực nữa. Vì thế, cuối cùng, tất cả ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Vì thế, ông cho rằng, tới đây cần xác định lại tiêu chí chỉ nên giữ: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và chưa hoàn thành nhiệm vụ thôi.
Bên cạnh đó, việc đánh giá cũng phải do người thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, khi giao việc cho ai thì sẽ đánh giá người đó. Đồng thời, những người đánh giá cũng phải tự chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá đó.
Ví dụ, Giám đốc đánh giá các trưởng phòng, các trưởng phòng đánh giá nhân viên... Không để tình trạng nhân viên tự bình bầu, cấp trên cất nhắc rồi cuối cùng cả làng đều tốt", vị chuyên gia nêu quan điểm.
Không để cán bộ không được việc vẫn ở một vị trí suốt đời
Vấn đề tiếp theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh đề cập là việc trả lương dựa theo chức danh, ông cho rằng tư duy trả lương theo chức danh phải cải tiến, không thể thực hiện theo mô hình chức nghiệp, cứ lên một vị trí là tồn tại suốt đời.
Ông cho biết, chức danh phải gắn chặt với vị trí việc, theo đó, ngoài việc xác định rõ vị trí công việc thì còn phải đòi hỏi chặt chẽ về năng lực, trình độ, đạo đức của từng vị trí, từng chức danh. Nếu không đáp ứng được phải rời khỏi vị trí đó.
"Không còn tư duy cứ có bằng đại học là vào chỗ nào cũng được và cứ vào được là nghiễm nhiên được hưởng một mức lương theo quy định. Việc này tới đây sẽ không còn nữa. Chức danh phải gắn với năng lực, và mức lương sẽ được quy định dựa theo vị trí, năng lực và hiệu quả người đó mang lại", ông Dĩnh nói.
Ông Dĩnh nhấn mạnh, việc trả lương theo vị trí việc làm và chức danh là cách làm khoa học, cả thế giới đang làm, tuy nhiên, quan trọng nhất là cách thực hiện.
Việc xác định vị trí việc làm thật chuẩn sẽ là cơ sở để định biên chuẩn. Tức là, phải dựa trên vị trí việc làm các cơ quan chức năng mới xác định được cần bao nhiêu đầu mối làm việc trong một cơ quan, mỗi đầu mối cần bao nhiêu biên chế, bao nhiêu lãnh đạo, bao nhiêu chuyên viên... Trên cơ sở đó để xác định mức lương cho từng vị trí, từng công việc.
"Nhìn xuyên suốt quá trình thực hiện cải cách tiền lương, vấn đề tôi băn khoăn nhất là làm thế nào để xác định được vị trí việc làm cho thật chuẩn, khi xác định được vị trí việc làm chuẩn thì các bước tiếp theo cũng sẽ chuẩn.
Tôi thấy, thời gian qua càng nói giảm biên chế nhưng lại càng tăng, điều này cho thấy việc xác định vị trí việc làm chưa chuẩn, đây vẫn đang là khó khăn của chúng ta cần phải khắc phục trong lần cải cách tới", vị chuyên gia nói.
Theo Lam Nguyễn/Báo Đất Việt