1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bàn giao 3,1 triệu sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động

(Dân trí) - Theo Ban Sổ thẻ (BHXH Việt Nam), đến hết tháng 7/2017, cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố cùng người sử dụng lao động đã phối hợp bàn giao 3,1 triệu sổ bảo hiểm xã hội tới người lao động, chiếm 25% số sổ cần chuyển giao.


Người lao động tại Hải Phòng nhận sổ BHXH mới.

Người lao động tại Hải Phòng nhận sổ BHXH mới.

Theo Bà Đinh Mai Hạnh - Phó trưởng Ban Sổ thẻ, trên 3,1 triệu sổ BHXH đã được bàn giao cho người lao động theo quy định của Luật BHXH.

Kết quả trên chiếm 25 % trong số 12,5 triệu sổ BHXH phải bàn giao (không bao gồm lực lượng vũ trang). Theo kế hoạch, các địa phương phấn đấu bàn giao sổ BHXH đạt trên 80% trong năm 2017.

Một số tỉnh đạt tỉ lệ bàn giao sổ BHXH cao như: Vĩnh Phúc, Thái Bình, Quảng Bình, Đồng Nai. Đặc biệt, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã bàn giao 184.850/184.855 sổ BHXH chiếm 99,98% tổng số lao động đang tham gia BHXH trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo nhận định của bà Đinh Mai Hạnh, việc bàn giao sổ bảo hiểm xã hội còn gặp một số khó khăn, như: Phần mềm thu, sổ - thẻ mới đi vào sử dụng nên có một số chức năng còn lỗi, chưa đầy đủ; khối lượng truy cập từ các tỉnh, thành lớn ảnh hưởng đến tốc độ xử lý thông tin; nội dung ghi trên sổ BHXH còn có sai sót, thiếu thông tin.

“Vẫn còn tình trạng đơn vị sử dụng lao động thiếu hợp tác hoặc chậm trễ trong phối hợp thực hiện. Có địa phương tổ chức thực hiện chưa sát sao, nên công tác bàn giao sổ chưa được hiệu quả như mong muốn…” - bà Đinh Mai Hạnh nói.

Để đảm bảo kế hoạch bàn giao sổ bảo hiểm xã hội, đại diện Ban Sổ thẻ đề nghị cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát sổ BHXH cho người lao động, bổ sung và chuẩn hoá dữ liệu người tham gia BHXH trong phần mềm quản lý, phối hợp với Bưu điện tỉnh chỉ đạo BHXH và Bưu điện cấp huyện thực hiện bàn giao sổ cho NLĐ một cách thuận lợi nhất…

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Bảo hiểm xã hội VN giải thích về cách tính lương hưu từ ngày 1/1/2018

Tại Hội nghị cung cấp thông tin BHXH, BHYT vừa qua, ông Nguyễn Đức Toàn - Phó GĐ Trung tâm truyền thông (Bảo hiểm xã hội VN) cho biết, căn cứ vào quy định Luật BHXH năm 2014, cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu sẽ được thay đổi từ 1/1/2018.

Theo đó, cách tính cụ thể như sau: Lao động nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH khi có thời gian đóng BHXH đủ 16 năm và nghỉ hưu năm 2018, đủ 17 năm và nghỉ hưu năm 2019, đủ 18 năm và nghỉ hưu năm 2020, đủ 19 năm và nghỉ hưu năm 2021, đủ 20 năm và nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi; Trường hợp lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (nội dung này thay đổi đối với lao động nam vì trước năm 2018 lao động nam chỉ cần đủ 15 năm đóng BHXH đã được tính bằng 45%). Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động (cả nam và nữ) được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Theo ông Nguyễn Đức Toàn, nội dung trên chỉ thay đổi đối với lao động nữ.

H.M

Người có công được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh

Bố của ông Vừ A Các (Lai Châu) tham gia kháng chiến năm 1970, xuất ngũ năm 1976. Năm 1979, tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc, được tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và 1 Huân chương hạng Ba. Bố của ông Các hiện hưởng chế độ hưu trí, có thẻ BHYT theo đối tượng người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại khu vực khó khăn (DT2). Ông Các hỏi, vì sao bố của ông không được hưởng 100% BHYT đối với người có công?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau: Căn cứ Điểm 2, Khoản 15, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 , sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật BHYT, trường hợp bố của ông (theo nội dung hỏi) hiện đang hưởng lương hưu hàng tháng, đồng thời cũng thuộc đối tượng người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Vì vậy, bố của ông được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng người hưởng lương hưu hàng tháng; được hưởng quyền lợi theo nhóm đối tượng là người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, mã thẻ BHYT có ký hiệu là HT2 và mã nơi đối tượng sinh sống có ký hiệu là K1, được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương không cần giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh.

D.T

Từ 2018, tác động của thay đổi cách tính lương hưu ra sao?

Theo BHXH VN, từ 1/1/2018, việc điều chỉnh công thức tính lương hưu có thể tác động tới một số đông người lao động.

Cụ thể, đối với lao động nam thì cách tính trên tác động đến những người chưa đạt đủ số năm cần thiết để đạt tỷ lệ hưởng tối đa là 75% và ảnh hưởng đến mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ từ năm 2018 trở đi không phải là mới, BHXH VN đã thực hiện từ năm 1995 theo Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP. Việc thay đổi cách tính lương hưu mà không có lộ trình ảnh hưởng đến lao động nữ nhiều hơn, nhất là đối với lao động nữ có dưới 30 năm đóng BHXH, số năm đóng BHXH càng ít thì tác động càng lớn. Theo số thống kê của BHXH Việt Nam, khoảng 68% số người nghỉ hưu được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu. Như vậy, cách tính này ảnh hưởng nhiều hơn đến 32% số người nghỉ hưu (chủ yếu là nghỉ hưu sớm). Cũng theo số thống kê, thời gian đóng BHXH bình quân của người nghỉ hưu trong 4 năm trở lại đây thì lao động nam có thời gian đóng BHXH bình quân là trên 32 năm, còn lao động nữ là 29 năm. Như vậy, tác động tổng thể là không lớn. Cũng qua số liệu tổng hợp từ các địa phương, số người nghỉ hưu trong 6 tháng đầu năm nay giảm 2% so với cùng kỳ năm 2016. Theo đại diện BHXH VN, có thể đánh giá chưa xảy ra tình trạng nghỉ hưu sớm ồ ạt để tránh sự thay đổi về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu.

T.T