“Sài Gòn sau 40 năm” dưới cách nhìn của nhạc sĩ Quốc Bảo
(Dân trí) - Là người được sinh ra, lớn lên và chứng kiến sự thay đổi của Sài Gòn suốt 40 năm từ sau giải phóng, nhạc sĩ Quốc Bảo luôn dành riêng một góc đặc biệt trong tim mình cho thành phố tri kỷ này.
Sài Gòn là một thành phố ồn ào
Anh là người sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, anh có thể chia sẻ cảm nhận của anh về Sài Gòn?
Sài Gòn khác hẳn các thành phố khác ở Việt Nam là tiếng ồn - tiếng ồn đô thị. Theo tôi, đây là đặc trưng của Sài Gòn. Từ khi tôi chưa sinh ra, Sài Gòn đã là thành phố ồn ào nhất. Như bác Phạm Duy nói: “Khi chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống, những ngày đầu không ngủ được vì ban đêm vẫn có tiếng động”. Thời đó còn như thế, huống gì bây giờ.
Điều đặc trưng nên khi đi đến nơi khác bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn - đồng thời cũng sẽ nhớ Sài Gòn hơn. Những tiếng động liên tục, đến nỗi bạn sẽ cảm thấy không bao giờ Sài Gòn im lặng được. Khi bạn bước vào nơi cách âm hoàn toàn, tưởng như tiếng ồn đã biến mất nhưng thực chất tiếng ồn vẫn còn trong đầu bạn. Nếu đã chọn sống ở Sài Gòn thì bạn phải sống chung với tiếng ồn đó.
Anh là người chứng kiến sự thay đổi của Sài Gòn từ 40 năm trước đến giờ, cảm nhận anh như thế nào về sự thay đổi này?
Sài Gòn liên tục thay đổi, như những âm thanh vậy, luôn luôn biến đổi. Sài Gòn là đô thị vận động lớn nhất, mạnh nhất và tích cực nhất trong những đô thị Việt Nam. Một phần vì đây là một thành phố lớn, một phần do sự nhập cư liên tục của cư dân từ nơi khác tới. Trong suốt chiều dài lịch sử 300 năm luôn có những người mới tới - sự thay đổi là tất yếu. Sự thay đổi của Sài Gòn gần như là thuộc tính gắn chặt với Sài Gòn, nhắc đến Sài Gòn là sẽ biết nó thay đổi.
Đôi khi tôi chỉ vắng mặt 1 tuần thì trở về tôi cũng thấy Sài Gòn đã khác.
Với riêng anh thì sự thay đổi đó có tốt không?
Tôi thấy đây là sự tích cực và nó nên như vậy. Nếu một thành phố cổ thực sự để bảo tồn thì nó là chuyện khác. Còn ở đây, Sài Gòn không phải là thành phố như vậy. Nó là thành phố của sự thay phát triển. Có thể phát triển sai, có thể có nhiều cái rất ‘dở’, nhưng rồi nó sẽ tiếp tục vận động để tốt dần lên.
Đôi khi trong những điều anh viết, có thể cảm thấy thấp thoáng sự tiếc nuối vì Sài Gòn đang phát triển và dần mất đi những gì thân thuộc?
Chắc chắn trong sự thay đổi bao giờ cũng có sự "méo mó". Không phải ai cũng ý thức được một cách tốt nhất ta "cần giữ cái gì"và ta ‘cần sửa cái gì’. Do đó với ‘cặp mắt’ của cư dân sống quá lâu ở Sài Gòn như tôi thì đôi khi, tôi luôn cảm thấy tiếc những khung cảnh cũ. Nhưng rõ ràng, có thể khung cảnh cũ nó còn nguyên như thế, chưa chắc tôi sẽ hạnh phúc hay ngày nào cũng để tâm đến nó. Nhưng khi nó mất đi rồi, tôi lại cảm thấy tiếc.
Anh thích nhất điều gì ở Sài Gòn?
Sài Gòn có được điều quan trọng là "năng lượng tích cực". Năng lượng tích cực đó có được từ mỗi cư dân, mỗi đợt người mới khi họ tới. Họ sẽ mang theo năng lượng sống của họ và họ sẽ làm cho thành phố luôn luôn vận động đi lên. Nói chung đây là thành phố rất vui (cười).
Những điều anh không thích về Sài Gòn là gì?
Những điều tôi không thích về Sài Gòn còn dài gấp đôi những gì tôi thích. Nhưng không vì điều đó mà tôi bỏ Sài Gòn đi. Cũng tương tự như tình yêu, trong tình yêu không phải yêu người đó vì họ hoàn hảo. Nếu họ có 20 điều hay và 2 điều dở mà không yêu. Thậm chí họ có 20 điều dở và 1 điều hay thì ta vẫn yêu.
Cụ thể một vài điểm mà anh không thích?
Điều thứ nhất - người Sài Gòn mau quên, vì nhịp sống nhanh và gấp quá, họ ít khi nào hồi nhớ quá khứ hay nhớ kỷ niệm. Họ không giữ sự nồng ấm trong tình cảm đối với những cá nhân. Nói như thế không có nghĩa là người Sài Gòn bội bạc, mà họ lại sẵn sàng đón nhận điều mới.
Điều thứ hai - Sài Gòn rất ồn ào. Trong một số trường hợp nó cũng sẽ gây mệt mỏi.
Điều thứ ba - Sài Gòn quá rộng lớn so với các thành phố khác. Đi từ điểm đầu đến điểm cuối của Sài Gòn rất xa.
Thứ tư - mật độ giao thông kinh khủng quá. Đó là những điều khó chịu tôi cảm nhận ở Sài Gòn.
Sài Gòn là nơi đáng sống
Trong những tác phẩm âm nhạc của mình, anh có dành tình cảm nào đó cho Sài Gòn?
Với tôi, có một ca khúc tạm gọi là thành công mà tôi đã viết cho Sài Gòn là Tình ca phố. Ngoài ra các bài hát khác tôi đều viết trong tâm lý của người Sài Gòn, và hầu hết là được viết tại Sài Gòn. Cảm nhận âm thanh, cảm nhận sự biến đổi, cảm nhận không khí Sài Gòn để viết.
Anh có thể chia sẻ kỷ niệm của anh về Sài Gòn năm 1975?
Năm 1975, tôi chỉ mới 8 tuổi, toàn bộ gia đình tôi không có ai ra nước ngoài vào năm đó, tất cả vẫn sống ở Sài Gòn bình thường. Và dĩ nhiên có những xáo trộn trong đời sống khi Sài Gòn đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh, khi Sài Gòn được giải phóng. Nhưng với tâm trạng và sự hiểu của 1 đứa bé 8 tuổi, tôi chỉ cảm nhận được có sự gì đó khác đi, không giống đời thường. Dĩ nhiên, người lớn có những lo lắng của họ, còn bản thân tôi thì không hiểu chuyện gì đang xảy ra thời điểm này.
Và sau này, khi lớn dần lên thì tôi cảm thấy Sài Gòn vẫn là nơi đáng sống. Tôi quyết định sẽ sống trọn đời tại Sài Gòn.
Anh có thể chia sẻ thế hệ trẻ hiện tại của Sài Gòn so với thời của anh có sự thay đổi như thế nào?
Từ tôi đến các bạn trẻ bây giờ đã cách xa nhau hơn một thế hệ. Có 1 sự chuyển giao giữa thế hệ tôi và thế hệ mới - sự chuyển giao về mặt công nghệ. Thế hệ trẻ bây giờ đang sống trong thời đại công nghệ, trong khi thế hệ trẻ của chúng tôi – thế hệ hậu chiến thì hoàn toàn không. Giữa 2 thế hệ đó đã khác biệt rất nhiều. Về suy nghĩ, lối sống, hoàn cảnh sống, và cả điều kiện môi trường.
Không thể nói rằng chúng tôi hay hơn, hay các bạn hay hơn. Chỉ có điều, bây giờ tôi vẫn còn sống cùng với những thế hệ đó. Tôi nhìn thấy thế hệ công nghệ cũng có những điểm tốt, hay, nhưng đồng thời cũng có những điểm không hay bằng những thế hệ trước, trong những điều kiện khó khăn hơn rất nhiều. Bây giờ là các bạn sống nhanh quá, không kịp suy nghĩ, đang bị cuộc sống đẩy đi.
Rồi đến một lúc nào đó, các bạn sẽ cảm thấy mất một số giá trị mà lẽ ra nếu cực khổ hơn một chút, ít điều kiện hơn một chút thì có thể các bạn sẽ hưởng được những giá trị đó. Chẳng hạn như những giá trị về mặt gia đình, về tình cảm, bạn bè, thậm chí là về thành phố - nơi các bạn đang sống. Nếu các bạn sống nhanh quá các bạn sẽ không cảm nhận được. Không thấy điều gì đọng lại trong mình.
Anh có nghĩ đó là sự thiệt thòi của các bạn trẻ thế hệ bây giờ?
Tôi cũng đã nói, có thể sau này các bạn sẽ tiếc, tại sao mình không nghĩ đến những chuyện đó, sao mình lại quá vội như vậy.
Nhưng anh có nghĩ một phần là do các thế hệ đi trước đã không giữ được lửa và truyền thụ những điều này cho các thế hệ đi sau?
Không thể truyền nổi, một đứa trẻ khi còn lên 5, lên 3 thì có thể dạy được, một đứa trẻ đã 13,14 tuổi thì sẽ có cuộc sống riêng và phát triển theo điều kiện của nó. Với điều kiện hiện giờ, với hoàn cảnh môi trường và toàn bộ thế giới đều như vậy, một đứa trẻ trưởng thành trong thời đại bây giờ sẽ sống nhanh hơn chúng tôi.
Anh là người gắn bó với thế giới showbiz của Sài Gòn trong khoảng thời gian dài như viết báo, chụp ảnh, anh có thể chia sẻ về những thế hệ nghệ sĩ của Sài Gòn?
Nếu đi ngược về trước thì nghệ sĩ Sài Gòn hàng đầu thì Cẩm Vân, Bảo Yến, Ngọc Ánh… Tiếp theo là thế hệ Phương Thanh, Lam Trường, Đan Trường… Cùng lúc đó là cũng có làn sóng các ca sĩ Hà Nội: Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Hồng Nhung… Tiếp đến là Mỹ Tâm, Hiền Thục, Hồng Ngọc… Có sự liên tục trong các thế hệ nhưng mỗi người có sự toả sáng riêng - về tầm cỡ có sự khác biệt. Cũng như ca sĩ Cẩm Vân là thế hệ ca sĩ đầu tiên nhưng ở thời điểm 2015, cô vẫn là một tên tuổi nổi bật và xứng đáng là nghệ sĩ có tên tuổi lớn.
Còn với những ca sĩ trẻ mới vào nghề, họ chỉ mới cống hiến được thời gian ngắn nên tôi chưa đánh giá được gì cả. Tuy nhiên, rõ ràng trong vòng 25 năm tôi tham gia vào showbiz thì tôi thấy càng về sau, những tên tuổi nghệ sĩ họ dễ nổi tiếng hơn, nhưng sự nghiệp họ ngắn hơn.
Băng Châu (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp