“Tại sao, Hồ Chí Minh?”

(Dân trí) - “Bác là nhân vật lịch sử lớn. Đến báo Mỹ còn phải viết- Tại sao, Hồ Chí Minh? Tại sao một con người bình dị như thế lại có thể làm được những điều vĩ đại đến thế...”- NSƯT Vương Đức chia sẻ sau 2 lần nghiên cứu, làm phim về Bác.

Năm 1990, NSƯT Vương Đức cùng một nhà báo Nga làm bộ phim tài liệu “Đi theo một câu Kiều” về Bác. 25 năm sau, tiếp tục đọc và nghiên cứu để làm phim điện ảnh về Bác, đạo diễn- NSƯT Vương Đức chia sẻ, "Sau khi đọc, tìm hiểu, nghiên cứu khối lượng tư liệu khổng lồ về Bác, tôi như bao nhiêu người khác, đã hiểu được, tại sao- Hồ Chí Minh".
 
Đạo diễn- NSƯT Vương Đức có cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí.

Đã có nhiều bộ phim điện ảnh lấy đề tài về cuộc đời, con người Hồ Chủ Tịch. Tuy nhiên, hầu hết các phim đều bị chê rằng, chưa thể tái hiện được hình ảnh Bác trên phim đúng tầm vóc và đủ chân thực cần có. Bắt tay vào dự án phim “Nhà tiên tri” lần này, đạo diễn đã chuẩn bị cho mình những gì?

“Nhà tiên tri” là kịch bản của nhà thơ- nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, sáng tác từ năm 2007. Đến năm 2011, Bộ VHTT&DL quyết định đưa kịch bản vào sản xuất. Như vậy, trên thực tế, phim đã có sự chuẩn bị từ cách đây nhiều năm, trước khi bước vào sản xuất chính thức.

Bộ phim lấy bối cảnh trong giai đoạn lịch sử từ năm 1947-1950, khi ấy Bác đang ở Việt Bắc, Bác có tiên đoán rằng, năm 1954 quân ta sẽ về Hà Nội. Và đến năm 1950, Bác tiếp tục tiên đoán, sau khi giải phóng Đông Khê, quân ta sẽ tiến về Hà Nội mà không cần nổ súng. Thực tế lịch sử đã chứng minh những tiên đoán của Bác hoàn toàn đúng. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên lịch sử, hiệp định Genève được kí kết, Pháp rút khỏi Đông Dương, quân ta tiến về Hà Nội mà không cần nổ súng.

Mao Trạch Đông từng nói, “Bác Hồ là nhà tiên tri của hòa bình”. Lê-nin cũng nói, “Những người làm nên lịch sửa là người dự đoán được tiến trình của lịch sử”. Thông thường, những nhà quân sự tài ba, họ thường dự đoán trước được lịch sử và tiến trình, đường đi của nó. Chúng tôi khi bắt tay vào dự án phim này đã định đổi tên phim nhiều lần, đã có nhiều cái tên được đưa ra như: Trong vòng vây, Người đến hòa bình, Rừng mơ, Người hiền…

Nhưng khi tôi tìm đọc và nghiên cứu về Người, càng đọc, càng tìm hiểu, chúng tôi càng tâm đắc với cái tên cũ là “Nhà tiên tri”, và đến phút chót, chúng tôi quyết định lấy tên đầu tiên để đặt cho phim là: “Nhà tiên tri”.

Tôi đã bỏ ra nhiều năm để đọc, để nghiên cứu về cuộc đời Bác qua nhiều tài liệu, của nhiều tác giả, ở nhiều đất nước (như Nga, Mỹ, Trung Quốc) trước khi bắt tay vào dự án này.

Đạo diễn- NSƯT Vương Đức chỉ đạo diễn xuất phim Nhà tiên tri

Đạo diễn- NSƯT Vương Đức chỉ đạo diễn xuất phim Nhà tiên tri
Đạo diễn- NSƯT Vương Đức chỉ đạo diễn xuất phim "Nhà tiên tri"

Bác là nhân vật lịch sử lớn, là người được cả nhân dân Việt Nam yêu kính. Vậy, anh sẽ làm những gì để tái hiện được hình ảnh lãnh tụ trên màn ảnh và thuyết phục được khán giả?

Năm 1990, đất nước kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác. Khi ấy, tôi vừa ở Nga về, tôi có làm một bộ phim tài liệu về Bác cùng với một nhà báo nổi tiếng của Nga là Andrey Levin- “Đi theo một câu Kiều”. Chúng tôi đã tìm về Nghệ An quê Bác để tìm hiểu về cá tính của người dân xứ Nghệ ẩn chứa trong con người Hồ Chủ Tịch.

25 năm sau, tôi lại có vinh dự làm phim điện ảnh về Bác. Bác là nhân vật lịch sử xuất chúng, là người xứng đáng được làm phim nhất trong những người mà tôi đã biết. Bởi vậy, tôi đã nghiên cứu rất nhiều khảo dị khác nhau về Người. Tôi đã đọc cuốn The Life (của một cựu chiến binh từng là chuyên gia tình báo Mỹ) viết về Bác. Càng đọc, tôi càng nhận ra, Bác Hồ là một nhân vật vô cùng bí ẩn. Đến báo Mỹ còn phải viết, “Tại sao, Hồ Chí Minh?”. Tại sao một con người bình dị như thế lại có thể làm được những điều vĩ đại như thế. Đến bây giờ, tôi cũng như bao người đã hiểu được, tại sao- Hồ Chí Minh.

Bộ phim “Nhà tiên tri” của tôi đã được bắt đầu bằng sự trân trọng, nghiêm túc, sự tiếp cận kho tư liệu khổng lồ về Hồ Chí Minh. Phim của tôi sẽ đưa đến cho khán giả không chỉ một câu chuyện lịch sử về một nhân vật lịch sử lớn, mà bộ phim còn đề cập đến vấn đề lớn nhất của tất cả các lãnh tụ, và các dân tộc trên thế giới này, đó là vấn đề về chiến tranh và hòa bình.

Đạo diễn Vương Đức thử giọng để tuyển diễn viên ở Nga
Đạo diễn Vương Đức thử giọng để tuyển diễn viên ở Nga

Những bộ phim lịch sử thường gánh trên vai một “định kiến” nặng nề khác là, phim lịch sử là phim “cúng cụ” thường khô cứng, kén khán giả và… tốn kém. Theo anh, bộ phim “Nhà tiên tri” liệu có thể hóa giải được “định kiến”?

Phim của tôi thực tế không phải là phim “cúng cụ”. Phim “Nhà tiên tri” được quyết định sản xuất từ trước cả dự án phim “Sống cùng lịch sử”. Tiền chúng tôi được nhà nước đầu tư không nhiều. Nhưng bù lại, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ tích cực (không thể tính bằng tiền) từ rất nhiều các cơ quan, tổ chức khi làm bộ phim này.

Quay đi quay lại vẫn là câu chuyện chữ “tiền”. Tôi có thể khẳng định, tôi sẽ không phải xấu hổ về tính quy mô của bộ phim này. Chúng tôi tái dựng lại những trận đánh lớn như trận Đông Khê, trận Sông Lô… bằng nỗ lực tốt nhất có thể.

Một cách tình cờ, phim hoàn thành đúng vào đợt kỷ niệm 40 năm giải phóng và 125 năm ngày sinh Hồ Chủ Tịch. Nếu dư luận xếp “Nhà tiên tri” là một phim “cúng cụ”, tôi rất lấy làm tự hào và vinh dự.

Người Việt Nam chúng ta, có ai không thờ cúng tổ tiên vào mỗi ngày giỗ?

Điều quan trọng nhất là, chúng ta cúng các cụ bằng những gì? Cúng bằng hoa thơm, quả ngọt, bằng lòng thành. Phim của tôi cũng giống như thế. Tôi không “cúng cụ” bằng hàng dởm, hàng giả.

Đạo diễn Vương Đức chỉ đạo một cảnh quay
Đạo diễn Vương Đức chỉ đạo một cảnh quay

Điều khó nhất để “lôi kéo” được khán giả đến rạp xem một bộ phim lịch sử là gì, theo anh?

Điều khó nhất với một đạo diễn theo tôi đó là, làm thế nào để làm được một bộ phim hay. Mỗi bộ phim có thân phận riêng của nó giống như một con người. Có thể may mắn hoặc không.

Vấn đề của một bộ phim không nằm ở đề tài, không nằm ở việc phim lịch sử, không phải chuyện thời tiết, chuyện đầu tư, chuyện di chuyển qua bao nhiêu bối cảnh với ngần này tiền… Tôi không sợ điều gì cả, tôi chỉ mong, làm được một cái gì đó “hay ho”.

“Nhà tiên tri” là bộ phim tôi gửi gắm nhiều tâm huyết. Là câu chuyện lịch sử- tôi cho rằng vẫn còn đầy sức sống giữa thời đại hôm nay, khi câu chuyện về Biển Đông vẫn còn nhức nhối. “Nhà tiên tri” là câu chuyện về chiến tranh và hòa bình, và tôi hy vọng, phim sẽ được khán giả đón nhận.

Bộ phim “Nhà tiên tri” được nhà nước quyết định đầu tư sản xuất năm 2012. Phim lấy bối cảnh lịch sử từ năm 1947-1950 tại Việt Bắc- nơi Bác Hồ đã tiên đoán về chiến thắng của quân và dân ta năm 1954, từ Việt Bắc tiến về tiếp quản Hà Nội. Bộ phim quay tại nhiều bối cảnh như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Kạn… và Matxcova (Nga). Phim khởi quay từ tháng tháng 5/2014 và đóng máy vào tháng 2/2015 (tại quảng trường Đỏ- Nga).
 

Hiền Hương thực hiện