Lắng nghe lịch sử qua những giai điệu anh hùng

(Dân trí) - Cùng chúng tôi nghe lại những giai điệu hào hùng của “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, “Tiến về Sài Gòn”, “Đất nước trọn niềm vui”… để sống lại không khí niềm vui trong ngày đại thắng của dân tộc cách đây 40 năm.

“Tiến về Sài Gòn”- Lời tiên tri bằng âm nhạc 
 
 
Ít ai biết, giai điệu hào sảng của ca khúc “Tiến về Sài Gòn” đã được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác từ năm 1966- cách xa ngày giải phóng đến 9 năm. Ca khúc được đánh giá cao về sự nhạy bén chính trị, tính chiến đấu, sức mạnh thúc giục thế hệ trẻ lên đường đấu tranh cho Tổ quốc. Cũng bằng niềm tin và sự nhạy cảm của một chiến sĩ - nghệ sĩ, trước đó (vào năm 1961) nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã từng tiên đoán ngày thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta qua bài hát “Giải phóng miền Nam”.

Ca khúc “Tiến về Sài Gòn” đã vang lên hào sảng, giục giã suốt chiều dài chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cho đến ngày toàn thắng.

Như có Bác trong ngày vui đại thắng
 

Bản tin chiến thắng vang lên vào 18h ngày 30/4/1975 đã được phát đi trên đài phát thanh cùng với giai điệu rộn ràng, vui tươi của ca khúc, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.

Bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” được sáng tác vào ngày 28/4/1975. Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác sau khi nghe bản tin cuối cùng của Đài tiếng nói Việt Nam có tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom sân bay Tân Sân Nhất, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ từ 9 giờ 30 phút tối đến 11 giờ ông đã viết xong bài “Như có Bác trong ngày đại thắng”.

Bài hát với giai điệu rộn ràng, vui tươi nhưng cũng đầy hào sảng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng nói về ca khúc này với đại ý rằng, ông chỉ sáng tác trong vòng 2 tiếng đồng hồ, và “Nói đúng hơn là chỉ có 2 giờ cho cả cuộc đời”.

Đất nước trọn niềm vui
 

“Đất nước trọn niềm vui” là ca khúc do cố nhạc sĩ Hoàng Hà sáng tác năm 1975. Ca khúc mang đượm không khí hào hùng ngay trong thời điểm sáng tác, khi dân tộc đang sục sôi ngày vui toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm đó, đưa đất nước hoàn toàn thống nhất.

Ca khúc được sáng tác và thu âm trong cùng một ngày 26/4/1975 và ngay ngày hôm sau, 27/4/1975, ca khúc đã được thu âm và đã được phát đi khắp cả nước lần đầu tiên trên sóng truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam do giọng ca của NSND Trung Kiên.

Tâm sự về ca khúc lịch sử trong nghề của mình, NSND Trung Kiên từng chia sẻ với phóng viên Dân trí, “Trong những năm về sau, nhiều lần tôi trình bày lại ca khúc này, nhưng những lần hát sau cảm xúc không thể bằng lần hát đầu tiên. Dù, từ khi nhận ca khúc đến khi hát trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam, tôi chỉ có 1-2 tiếng chuẩn bị. Bản thu được thực hiện rất nhanh. Ca sỹ không có thời gian chuẩn bị. Nhưng khi cất tiếng hát, giữa không khí quyết chiến quyết thắng sục sôi, tôi đã vô cùng xúc động…”

Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh
 

Nhạc sĩ Xuân Hồng đã nghĩ ra “ý tứ” cho ca khúc “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” từ năm 1974, trong một lần vui tâm sự cùng bạn bè.

Khi giữ vị trí Trưởng ban Văn nghệ Cục chính trị quân Giải phóng miền Nam- nhạc sĩ Xuân Hồng đã hoàn thành ca khúc này. Ca khúc được phổ biến rộng rãi ngay sau khi ra mắt. Và đến bây giờ sau 40 năm, giai điệu tươi vui, hào hùng của nó vẫn vang lên mỗi dịp kỷ niệm Giải phóng.

H.H

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm