Ninh Thuận:

Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm và Raglai Nguyễn Hải Liên qua đời

Đức An Thế Wang

(Dân trí) - Ông Nguyễn Hải Liên là nhà nghiên cứu hàng đầu về văn hóa Chăm và Raglai, với nhiều công trình đồ sộ, được ghi nhận bằng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật vào năm 2017.

7h sáng 21/12, gia đình nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên đã tổ chức lễ di quan và đưa ông về an táng tại nghĩa trang Yên Bình (Núi Quýt, Tri Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận).

Theo gia đình, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên trút hơi thở cuối cùng vào 10h15 ngày 17/12/2020 tại nhà riêng ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), hưởng thọ 87 tuổi (1934-2020).

Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm và Raglai Nguyễn Hải Liên qua đời - 1
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên trút hơi thở cuối cùng vào 10h15 ngày 17/12/2020 tại nhà riêng, hưởng thọ 87 tuổi (1934-2020)

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Nam - vùng đất giàu bản sắc văn hóa đã nuôi dưỡng niềm đam mê và đã đưa ông trở thành nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật dân gian về sau này. Cả cuộc đời ông miệt mài, đam mê nghiên cứu văn hóa dân gian của các dân tộc Chăm và Raglai.

Năm 1992, sau khi tỉnh Ninh Thuận tái lập, ông về làm Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Ninh Thuận và đi sâu vào con đường nghiên cứu văn hóa. Ông thường đến những thôn quê, bản làng xa xôi, vùng núi cao của Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa để tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu văn hóa các dân tộc.

Ông chính là tác giả của 12 công trình nghiên cứu có giá trị và ý nghĩa về văn hóa Chăm và Raglai ở Ninh Thuận và một số tỉnh lân cận; là người trực tiếp truyền dạy cho hơn 200 nghệ nhân đồng bào Chăm và Raglai ở Ninh Thuận, Khánh Hòa.

Trong các công trình nghiên cứu của ông, đáng kể nhất là bộ Sử thi của đồng bào dân tộc Raglai. Đây là kho truyện lịch sử đồ sộ kể lại quá trình đấu tranh của đồng bào dân tộc Raglai với thiên nhiên, chống chọi với cái xấu để tồn tại và phát triển, trong đó có những anh hùng Raglai xuất hiện như một vị thần mang đến sức mạnh để đồng bào vượt qua thử thách, để tồn tại và phát triển đến ngày nay.

Ông còn là người phát hiện và phục dựng lại trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai và đến nay mỗi làng đều có trang phục lưu giữ riêng...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên còn nghiên cứu những nét đặc sắc của văn hóa, nghệ thuật dân gian Chăm; truyền dạy những nhạc cụ truyền thống của người Chăm cho trẻ em như: Kèn Saranai, trống Ghi-năng.

Ông cùng với những nghệ nhân người Chăm trực tiếp truyền dạy lại cho thiếu nhi tại một số làng, xã về cách chơi, cách sử dụng cũng như về "cái hồn" của các nhạc cụ, từ đó đã bảo tồn và phát huy văn hóa, nghệ thuật của người Chăm.

Trọn một đời người đam mê với nghiên cứu văn hóa dân gian, ông đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản 15 tác phẩm văn hóa dân gian. Trong đó có cụm tác phẩm xuất sắc bao gồm: Trang phục cổ truyền Raglai; Vai trò âm nhạc trong lễ hội dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận; Nhạc cụ tiêu biểu của người Raglai Cực Nam Trung Bộ của ông được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2017.

Ngày 23/11/2019, ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên đã tặng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thành quả sưu tầm nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể. Đây là thành quả mà ông đã dành hơn 30 năm nghiên cứu về văn hóa phi vật thể Chăm, Raglai.