Nhà nghiên cứu 103 tuổi làm đại sứ văn hóa đọc

Hồng Anh

(Dân trí) - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được chọn là một trong 10 đại sứ của "Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam" lần 2 nhằm truyền cảm hứng, lan tỏa văn hóa đọc tới công chúng.

Nhiều năm qua, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư luôn miệt mài đóng góp những tác phẩm biên khảo, nghiên cứu có giá trị về lịch sử - văn hóa của Nam Bộ. Đến nay, dù đã 103 tuổi, ông vẫn ngày ngày đọc tài liệu, nghiên cứu và ghi chép những số liệu lịch sử. 

Trong chương trình "Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2" đang được tổ chức từ ngày 19 - 23/4 tại TPHCM, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được chọn là một trong 10 đại sứ truyền cảm hứng nhằm lan tỏa văn hóa đọc tới công chúng.

Dù ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn cần mẫn làm việc khoảng 10 tiếng/ngày, sử dụng máy tính thành thạo để nghiên cứu và soạn thảo văn bản. Lúc say mê, ông có thể làm việc đến 12 - 14 tiếng mỗi ngày. 

Nhà nghiên cứu 103 tuổi làm đại sứ văn hóa đọc - 1

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (Ảnh: Ảnh: NXB Tổng hợp TPHCM).

Trong một chương trình truyền hình gần đây, ông chia sẻ, bản thân có niềm đam mê với sách từ khi 15-16 tuổi. Thời ấy, ông đọc các tác phẩm của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Gia Thiều... Ông cảm thấy vô cùng tò mò về cuộc sống của các tác giả viết ra những tác phẩm kinh điển theo năm tháng.

Ông cũng tâm đắc hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ "Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông". Từ đó, ông đặt mục tiêu phải học tập thật chăm chỉ. Sau này, ông trở thành một trong những nhà nghiên cứu nổi tiếng về địa danh, địa chí, nhân vật, sự kiện.

Trong một sự kiện liên quan đến sách, ông hóm hỉnh tự nhận mình là "ông già kỳ cục" khi đã trên 100 tuổi mà vẫn khỏe, đi đứng không phải chống gậy, chưa cần người dìu.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là tác giả của nhiều tác phẩm nổi bật như: Bộ lịch sử tiểu thuyết Loạn 12 sứ quân, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954), Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954)… Các tác phẩm đều đạt được các giải thưởng của Việt Nam.

Bên cạnh những thành tích ấn tượng trên, ông Nguyễn Đình Tư cũng là người đề xuất đặt tên hai đường Hoàng Sa và Trường Sa tại TPHCM. Ông được trao giải thưởng cao nhất của Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2018.

Vào lúc 8h30 ngày 19/4, ông sẽ có buổi giao lưu tại sân khấu đường Công xã Paris về bộ sách Gia Định - Sài Gòn - TPHCM: Dặm dài lịch sử (1698-2020) nhân kỷ niệm 325 năm hình thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM (1698-2023) và kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023.