Người dân Sơn La "đổi đời" từ cây cà phê
(Dân trí) - Trên những nương, vườn trước đây ở Sơn La chủ yếu trồng sắn hoặc ngô, giờ đây đã được phủ màu xanh bát ngát của cây cà phê, một cuộc sống ấm no đang hiện hữu trong từng nếp nhà.
Năm 2020, diện tích cà phê tỉnh Sơn La đạt 17.804 ha, sản lượng ước đạt 25.581 tấn (cà phê nhân). Diện tích trồng cà phê chủ yếu tập trung tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Sốp Cộp, Yên Châu và thành phố Sơn La.
Sở dĩ, cà phê "Sơn La" có được đặc thù và danh tiếng như vậy một phần là nhờ địa hình, đất đai, khí hậu của khu vực địa lý thích hợp với giống cà phê Arabica. Nhiệt độ chênh lệch ngày đêm cao trên 10 độ C. Đặc biệt, vào ban đêm có sương, nên hầu hết cà phê trồng ở đây không phải tưới tiêu, sương xuống giữ được độ ẩm cho đất.
Từ khi chuyển đổi sang trồng cà phê, bà con dân bản ai cũng phấn khởi. Không chỉ đem lại giá trị kinh tế, cây cà phê còn phủ xanh đất trống đồi trọc, không còn thấy cảnh từng quả đồi trơ trọi sau mỗi vụ thu hoạch ngô.
Ông Đặng Quang Hoàn (Chiềng Ban, Mai Sơn, Sơn La) cho biết: "Tôi có quê gốc ở Hưng Yên, từ những năm 1970, bố mẹ tôi lên đây để khai hoang và trồng chủ yếu ngô sắn rồi chuyển sang cây mía. Chỉ đến khi chuyển sang cây cà phê thì cuộc sống gia đình mới cải thiện, thu nhập cao hơn".
Ông Hoàn cho biết thêm, khi chuyển đổi sang trồng cà phê, ông và những người dân trong bản được doanh nghiệp hỗ trợ về quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc để phát triển cây cà phê bền vững và cho năng suất cao nhất. Bên cạnh đó, là một trong những đại lý nhỏ hợp tác với doanh nghiệp nên ông còn được hỗ trợ vốn để xây dựng nhà máy sơ chế, sân phơi, bể ủ cà phê.
"Trước đây chúng tôi để cà phê phát triển tự nhiên nhưng cây cho năng suất rất thấp. Sau khi được đội ngũ nhân viên của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến trực tiếp hướng dẫn về quy trình trồng, chăm sóc cây cà phê Arabica theo tiêu chuẩn 4C và UTZ thì năng suất cao hơn gấp 3-4 lần. Doanh nghiệp này cũng bao tiêu đầu ra cho người dân nên chúng tôi rất yên tâm canh tác.
Khi hợp tác với Minh Tiến, tôi còn được hỗ trợ từ 300 - 400 triệu đồng/1 năm để đầu tư máy móc sơ chế quả cà phê tươi. Tôi làm sân rộng hơn 3500m2 để phơi cà phê sau khi tách vỏ tươi, xây hệ thống bể ủ, máy móc hiện đại", ông Hoàn chia sẻ.
Vào mùa cà phê, ông Hoàn phải thuê 10 công nhân để chế biến trong xưởng. Mỗi năm, trừ chi phí ông thu lãi được khoảng 100 triệu, năm 2007 ông đã xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang.
Cũng giống ông Hoàn, gia đình ông Lèo Văn Hương (Chiềng Ban, Mai Sơn, Sơn La) giờ đây đã có "của ăn của để" sau khi chuyển đồi cây trồng từ ngô sang cà phê.
"Nhà tôi hiện có hơn 4ha cà phê, từ khi chuyển đổi sang cây trồng này thu nhập của gia đình được nâng cao hơn trồng ngô, sắn. Ngày xưa trong bản chỉ có một máy xát vỏ cà phê, không có bể ủ nên phải ủ cà phê vào bao rồi mang ra suối đãi rửa. Giờ tôi đã đầu tư máy xát và xây bể ủ để chủ động hơn trong sơ chế quả tươi".
Bên cạnh đó, khi ký hợp tác trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C và UTZ với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến, người dân phải cam kết không sử dụng lao động là trẻ em, người già. Những vỏ bao bì túi thuốc bảo vệ thực vật phải thu gom bỏ đúng nơi quy định. Hộ nào cũng phải ghi chép nhật ký gieo trồng và chăm bón, sản lượng theo từng vụ.
Không chỉ đời sống được cải thiện mà niềm vui, tự hào còn hiện rõ trên khuôn mặt người dân nơi đây khi những hạt cà phê họ làm ra được xuất khẩu sang thế giới.
"Cuộc sống dần dần khấm khá hơn, chúng tôi rất tự hào khi hạt cà phê Sơn La được vươn ra thế giới. Xứng đáng với công sức của người dân chúng tôi và doanh nghiệp bỏ ra. Ở đây hạt cà phê quý lắm, nó là nguồn thu nhập chính của người dân chúng tôi", ông Vũ Duy Hiền (Chiềng Ban, Mai Sơn, Sơn La) nói trong niềm tự hào.
Đến nay, cây cà phê Sơn La đang dần khẳng định vị trí là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh. Đồng thời, tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Sơn La.