Nghệ sĩ Ưu Đàm: "Đến với hội họa vì đam mê, thay vì nghĩ muốn làm giàu"

Quỳnh Tâm

(Dân trí) - Trong buổi tọa đàm "Định vị nghệ thuật Việt Nam trong khu vực", họa sĩ Châu Giang, nghệ sĩ thị giác Ưu Đàm, giám tuyển Ace Lê có những chia sẻ gây chú ý về tình trạng thiếu vắng sinh viên mỹ thuật.

Ngày 18/5 tại bảo tàng nghệ thuật Quang San (TPHCM) đã diễn ra buổi tọa đàm nghệ thuật với chủ đề "Định vị nghệ thuật Việt Nam trong khu vực". Chương trình với sự tham dự của nghệ sĩ Châu Giang, nghệ sĩ Ưu Đàm, giám tuyển Ace Lê cùng đông đảo người yêu nghệ thuật tại TPHCM. 

Đến tham dự tọa đàm, các nghệ sĩ đã chia sẻ nhiều góc nhìn về mỹ thuật Việt Nam trong tiến trình hội nhập với khu vực và quốc tế, cũng như tầm quan trọng của lãnh đạo nghệ thuật để định hình bản sắc văn hóa.

Nghệ sĩ Ưu Đàm: Đến với hội họa vì đam mê, thay vì nghĩ muốn làm giàu - 1

Nghệ sĩ Châu Giang chia sẻ tại tọa đàm (Ảnh: Ban Tổ chức).

Trong đó, khi bàn về vấn đề ngày càng thiếu vắng sinh viên mỹ thuật, những ngành như hội họa, điêu khắc... không tuyển được sinh viên trong nhiều năm liền, các chuyên gia, nghệ sĩ có những chia sẻ gây chú ý. 

Giám tuyển Ace Lê cho biết, một số ngành mỹ thuật có số lượng sinh viên đăng ký thấp, thậm chí chỉ có 1, 2 người. Đây được xem là tình trạng "báo động đỏ" của ngành mỹ thuật, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. 

Ngược lại, những ngành học phục vụ nhu cầu trực tiếp của xã hội như thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, nội thất… lại được sinh viên đăng ký nhiều.

Ace Lê nói: "Điều này thể hiện, các sinh viên không tự tin là nghề họa sĩ sẽ cho họ tương lai vững chắc. Thay vào đó, họ chọn học thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa... vì có thể mang lại cơ hội việc làm cao, có thu nhập ổn định. 

Tôi nghĩ, mỗi người đều có vai trò trong hệ sinh thái này và mình nhận ra giá trị của mình đang ở đâu. Bất kể là người dạy mỹ thuật hay người học mỹ thuật đều có vai trò rất cụ thể trong việc nâng tầm nhận thức về vấn đề tại sao các ngành hội họa theo lối hàn lâm mất dần chỗ đứng trong thời hiện đại". 

Từ góc nhìn của người sáng tác, họa sĩ Châu Giang cho rằng, để làm họa sĩ, ngoài việc lao động nghiêm túc còn phụ thuộc vào tài năng trời cho và sự đam mê.

"Thời của tôi một khóa còn có 20-30 người học hội họa. Còn bây giờ, người theo đuổi hội họa nghiêm túc và chuyên nghiệp chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Nếu như không có đủ đam mê rất dễ bỏ cuộc.

Bây giờ thị trường hội họa rất sôi động, nhưng có phần hơi dễ dãi đến từ nhiều phía. Tôi không nói ở việc đúng hay sai, nhưng vô tình điều này khiến cho việc học hội họa hàn lâm trở thành không cần thiết nữa. Với cá nhân tôi, suy nghĩ như thế không đúng", nghệ sĩ Châu Giang nhấn mạnh. 

Nghệ sĩ Ưu Đàm: Đến với hội họa vì đam mê, thay vì nghĩ muốn làm giàu - 2

Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ yêu nghệ thuật (Ảnh: Ban Tổ chức).

Nghệ sĩ Ưu Đàm cho biết, anh rất "sốc" khi nghe câu chuyện không có sinh viên ứng tuyển ngành mỹ thuật. Bởi cách đây 15-20 năm, dẫu khó khăn nhưng vẫn có nhiều người hừng hực muốn thi vào các trường mỹ thuật, muốn trở thành họa sĩ. 

"Những người ở thế hệ trước họ đến với hội họa một cách bất chấp, không cần biết sẽ giàu hay nghèo. Nếu bạn xác định làm họa sĩ để giàu thì đó là sai lầm, vì làm nghề khác dễ giàu hơn.

Tuy nhiên, bạn phải đi cùng nghệ thuật với tâm trạng sẵn sàng hy sinh thì kết quả mới tốt được. Thế hệ trước họ đi vào nghệ thuật với tâm trạng đam mê, còn chuyện sau đó họ không màng tới. 

Chứ bạn theo đuổi mà mang suy nghĩ "làm họa sĩ không thể giàu bằng kinh doanh" thì nên bỏ, đam mê không đủ lớn để bất chấp. Tôi nghĩ đó là điều đáng tiếc", nghệ sĩ Ưu Đàm đưa ý kiến. 

Tại buổi tọa đàm, Ban Tổ chức cũng giới thiệu thêm về cuộc thi "UOB Painting of the year" - một trong những hoạt động khơi nguồn và truyền cảm hứng về hội họa. 

Theo giám tuyển Ace Lê, việc tham gia các cuộc thi hội họa sẽ giúp các nghệ sĩ cọ sát hơn với mỹ thuật quốc tế, từ đó khai mở được nhiều điều mới mẻ trong cách thực hành sáng tạo cũng như nâng tầm giá trị của tranh cá nhân và quảng bá được mỹ thuật Việt Nam ra khu vực.

Họa sĩ Châu Giang cho rằng việc trưởng thành từ các cuộc thi giúp cô có cơ hội ghé thăm nhiều bảo tàng, phòng trưng bày tại nước ngoài, từ đó nhận ra vị thế của bản thân.