Thanh Hóa:

Không có nơi trưng bày, bảo vật quốc gia phải nằm ở hành lang

(Dân trí) - Là một trong 3 hiện vật quý của Thanh Hóa được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2013, nhưng do không có chỗ trưng bày nên vạc đồng Cẩm Thủy đang được để ở góc hành lang của Bảo tàng Thanh Hóa.

Vạc Đồng Cẩm Thủy cùng với Kiếm ngắn Núi Nưa và Trống Đồng Cẩm Giang 1 (3 hiện vật của Thanh Hóa) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia đợt 2 vào cuối năm 2013 cùng với 37 hiện vật khác trong cả nước.

Không có chỗ trưng bày, chiếc vạc đồng Cẩm Thủy- bảo vật quốc gia phải nằm ở hành lang
Không có chỗ trưng bày, chiếc vạc đồng Cẩm Thủy- bảo vật quốc gia phải nằm ở hành lang

Là một trong những hiện vật được cho là hiện vật gốc độc bản, mang tính địa phương rõ rệt và được đánh giá là vạc đồng nguyên vẹn lớn nhất Việt Nam cho đến nay. Các nhà nghiên cứu nhận định, vạc đồng Cẩm Thủy có giá trị đặc biệt gắn liền với lịch sử thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 16-18), là minh chứng sinh động cho kỹ nghệ đúc đồng đạt đến trình độ hoàn hảo từ nhiều thế kỷ trước ở Việt Nam.

Hiện ở Việt Nam chưa có nơi nào phát hiện được chiếc vạc đồng tương tự như vạc đồng thời Nguyễn tại Huế và vạc đồng Cẩm Thủy thời Lê Trung Hưng ở Thanh Hóa.

Về lịch sử, chiếc vạc đồng Cẩm Thủy là hiện vật quý được Ban chỉ huy quân sự TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa phát hiện vào năm 1981 trong quá trình đào đắp một công trình tại khu vực ngã ba Đình Hương (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa). Chiếc vạc khổng lồ này không rõ niên đại và còn khá nguyên vẹn. Sau đó được đưa về bảo quản tại trụ sở cơ quan này. Hơn 20 năm sau, đến tháng 8/2002 nó mới được bàn giao lại cho Bảo tàng Thanh Hóa quản lý.

Vạc đồng Cẩm Thủy hiện được cho là chiếc vạc đồng lớn nhất Việt Nam
Vạc đồng Cẩm Thủy hiện được cho là chiếc vạc đồng lớn nhất Việt Nam

Vạc Đồng còn nguyên vẹn, có kích thước tương đối lớn, cao 79,8 cm, đường kính miệng 134,4 cm, đường kính đáy 115 cm. Vạc dáng hình trụ có miệng hơi loe, thành miệng vát, đáy lồi. Miệng vạc có gắn 6 quai cầm to hình chữ U trang trí kiểu vặn thừng cách đều nhau. Bên trong thành miệng tạo gờ, giữa tai quai trang trí hoa văn các chấm tròn nổi tạo thành bông hoa 5 cánh (nhụy hoa là một chấm tròn to, cánh hoa là 5 chấm tròn nhỏ).

Phía ngoài sát dưới thành miệng trang trí một băng hoa văn hình hoa chanh xen kẽ vân mây và được giới hạn bởi hai đường gờ nổi chạy quanh. Ngăn cách phần thân với miệng và đáy vạc là đường gờ nổi đậm hình sống trâu, hai bên có hai đường gờ nổi nhỏ chạy quanh, thân vạc trang trí các đường gờ nổi tạo thành kiểu bổ ô dọc quanh thân vạc (gồm 6 ô). Sát đáy vạc có một đường gờ nổi chạy quanh, một bên sát đường gờ (đối diện phần quai xuống đáy) có hình một lỗ lõm tròn.

Đặc biệt, bên trong miệng vạc có khắc 2 dòng chữ Hán đối xứng nhau, mỗi dòng gồm 11 chữ, nét chữ nổi đậm, rõ ràng. Những chữ này đã được Bảo tàng Thanh Hóa phiên âm dịch nghĩa với nội dung: “Chính thống lĩnh Tạo Quận công quan khâm sai huyện Cẩm Thủy. Đúc ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Thân”.

Từ căn cứ này, các nhà nghiên cứu đã xác định đây là chiếc vạc lớn do Tạo Quận công, tức quan khâm sai huyện Cẩm Thủy Phạm Ngô Cầu sai đúc ngày 28/11 (âm lịch) năm 1752, thế kỷ 18, thời Lê Trung Hưng.

Mặc dù, có giá trị là vậy, thế nhưng, do chiếc vạc quá to lớn và kinh phí hạn hẹp mà hiện nay Bảo tàng Thanh Hóa không biết đặt chiếc vạc ở đâu để trưng bày cho du khách tham quan. Hiện vạc đồng đang được phủ túi bóng, kê gạch để ở hàng lang của bảo tàng.

Bà Bùi Thị Luận, Trưởng phòng kiểm kê bảo quản – Bảo tàng Thanh Hóa cho biết: “Do kích cỡ quá lớn nên bảo tàng chưa đem cân vạc lần nào, chỉ ước chừng hơn một tấn. Vì vậy, bảo tàng không thể đưa qua các cửa vào các phòng mà phải để ngoài hành lang”.

Cũng theo bà Luận thì phía bảo tàng cũng đã đề nghị và mong muốn UBND tỉnh quan tâm xây dựng cho một nơi đặt vạc đồng để trưng bày nhằm phát huy giá trị của hiện vật quý này.

Bình Minh