An Giang:

Xây nhà trưng bày ì ạch… cổ vật Óc Eo “sống tạm” ở nhà cán bộ

(Dân trí) - Theo kế hoạch, nhà trưng bày cổ vật Văn hóa Óc Eo hoàn thành trong 180 ngày xây dựng. Tuy nhiên, do nhiều lí do đến nay nhà trưng bày vẫn chưa hoàn thành. Từ việc này, nhiều cổ vật nghìn năm phải “sống tạm” ở nhà dân, nhà cán bộ… ẩn chứa nhiều rủi ro.

Khu di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê thuộc huyện Thoại Sơn, An Giang là di chỉ khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo – Ba Thê, ghi đậm dấu ấn lịch sử tồn tại lâu đời của vùng đất này. Những hiện vật phát hiện được ở quần thể di tích rải rác trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo hay chùa Linh Sơn Tự là minh chứng cho sự tồn tại của vương quốc Phù Nam - một vương quốc thịnh trị, có tầm ảnh hưởng bao trùm cả vùng Nam Bộ từ thế kỷ thứ I- VII. Tháng 6 - 2015 vừa qua, khu di tích này đã được xếp hạng “Di tích quốc gia đặc biệt”.

Từ khi Khu di tích văn hóa Óc Eo được chính thức công nhận Di tích quốc gia đặc biệt thì đã có hàng chục nông dân hiến tặng gần 500 hiện vật văn hóa Óc Eo để trưng bày. Tuy nhiên, do công trình xây dựng nhà trưng bày vẫn còn dang dở, ngổn ngang nên hàng trăm cổ vật quý hiếm chưa được trưng bày đúng nghĩa vẫn trưng bày ở nhà làm việc, nhà dân và kể cả nhà cán bộ…

 

Dù đã hơn nửa tháng 11/2015 những nhà trưng bày cổ vật Văn hóa Óc Eo vẫn còn ngổn ngang thế này
Dù đã hơn nửa tháng 11/2015 những nhà trưng bày cổ vật Văn hóa Óc Eo vẫn còn ngổn ngang thế này

Ông Nguyễn Hữu Giềng, Trưởng Ban quản lý (BQL) di tích Văn hóa Óc Eo cho biết, ngay sau khi đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, Sở Văn hóa thể thaodu lịch tỉnh đã làm chủ đầu tư xây dựng nhà trưng bày di tích Óc Eo với diện tích hơn 400m2,, do Cty TNHH xây dựng Hải Nam thi công, với tổng kinh phí gần 5,9 tỷ đồng. Tuy nhiên so với kế hoạch ban đầu thì công trình đã chậm hơn rất nhiều.

Ngoài ra, ông Giềng còn thông tin, việc nhà trưng bày chậm trễ đã gây khó khăn cho BQL trong việc trưng bày, bảo quản các cổ vật. Hiện nay để “chữa cháy” thì nhiều cổ vật vẫn để tại nhà làm việc, một số khác thì gửi tại nhà dân (cổ vật người dân mới tặng); trong két sắt tại cơ quan và một số cổ vật khác ông Giềng phải mang về nhà bảo quản vì không có chỗ. Còn, những cổ vật to lớn hơn thì để trước trụ sở như: tảng đá, gạch…

 

Dù nhà trưng bày chậm trễ đã lâu, nhưng Lãnh đạo Sở VH -TT và DL An Giang vẫn chưa nghe BQL Di tích Văn hóa Óc Eo báo cáo sự việc này?
Dù nhà trưng bày chậm trễ đã lâu, nhưng Lãnh đạo Sở VH -TT và DL An Giang vẫn chưa nghe BQL Di tích Văn hóa Óc Eo báo cáo sự việc này?

Theo ghi nhận của PV dù đã hơn nửa tháng 11 nhưng công trình xây dựng nhà trưng bày di chỉ văn hóa Óc Eo vẫn còn ngỗng ngang. Phía trước, trong và sau nhà trưng bày có hàng chục công nhân đang hì hục sơn, gắn đá hoa cương và lót gạch. “Theo tôi công trình này chỉ đạt chừng 70% khối lượng, muốn hoàn thành cuối năm nay chắc khó lắm!”, một thợ lâu năm ở đây cho biết.

Trong khi đó, ông Võ Viết Hải, Giám đốc Cty TNHH Hải Nam - đơn vị thi công công trình này cho biết, ban đầu khi triển khai thi công xây dựng nhà trừng bày di tích văn hóa Óc Eo là 180 ngày từ ngày 8/2014 đến tháng 2/2015 sẽ hoàn thành cho kịp lễ công nhận di tích văn hóa Óc Eo là di tích cấp Quốc gia đặc biệt nhưng sau đó lại điều chỉnh thiết kế nên chậm trễ đến giờ.

 

Nhiều cổ vật cực quý này phải trưng bay tạm tại nơi làm việc của BQL di tích, một số khác cắt trong két sắt và cán bộ phải mang về nhà bảo quản vì không có chỗ.
Nhiều cổ vật cực quý này phải trưng bay tạm tại nơi làm việc của BQL di tích, một số khác cắt trong két sắt và cán bộ phải mang về nhà bảo quản vì không có chỗ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lên, Giám đốc Sở văn hóa, thể thao và du lịch An Giang cho biết: Sở chưa nhận được phản ánh từ phía BQL di tích văn hóa Óc Eo về việc đơn vị thi công chậm trễ nhà trưng bày. Ban quản lý có quyền yêu cầu về sở để chấn chỉnh lại đơn vị thi công nhưng đến giờ tôi vẫn chưa thấy báo cáo vấn đề này. Vài ngày tới tôi sẽ chỉ đạo các anh em làm việc lại với đơn vị thi công để sớm đưa cổ vật văn hóa vào trưng bày phục vụ du lịch chứ người dân hiến tặng mà không có chỗ trưng bày thì khó coi lắm.

Theo ông Giềng, từ khi phát động nhân dân hiến tặng hiện vật văn hóa Óc Eo thì đến nay đã có một tổ chức và 12 cá nhân hiến tặng gần 500 hiện vật gồm: Chum, lọ, gạch, đá, cột gỗ nhà sàn, hũ gốm, gạch trang trí, đá trang trí kiến trúc… có giá trị văn hóa cao và có giá trị liên thành. “Đến hết năm nay chúng tôi sẽ kiến nghị thành lập hội đồng định giá giá trị hiện vật như thế nào mới có hướng hỗ trợ cho người hiến tặng ra sao tùy theo hiện vật nữa. Để bà con tiếp tục đóng góp cho BQL nhiều hiện vật có giá trị hơn!” Ông Giếng cho biết.

Minh Thư