Họa sĩ Thành Chương sốc khi tranh của mình bị mạo danh tại triển lãm
(Dân trí) - Sáng nay (15/7), họa sĩ Thành Chương đã đến buổi triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và xác nhận bức tranh “Trừu tượng” với tên tác giả Tạ Tỵ đang được triển lãm tại đây là bức tranh của mình. Đây là tranh ông vẽ chân dung bạn gái Kim Anh của mình vào năm 1971-1972.
Tiếp theo diễn biến của việc triển lãm “Những bức tranh trở về từ Châu Âu” gây tranh cãi vì đa số được cho là tranh giả, bất ngờ họa sĩ Thành Chương đã lên tiếng xác nhận 1 trong số 17 tác phẩm được triển lãm tại đây là của mình, nhưng đã được thay bằng tên của họa sĩ Tạ Tỵ.
Họa sĩ Thành Chương bên bức tranh của mình sáng nay (Ảnh: Tiểu Vũ)
Họa sĩ Thành Chương lên tiếng về bức tranh của mình bị mạo danh họa sĩ Tạ Tỵ
Vì sao ông biết được bức tranh của mình đang triển lãm tại "Những bức tranh trở về từ Châu Âu" bị mạo danh thành họa sĩ khác?
Tôi ở ngoài Hà Nội. Hôm nay vào đây và biết được vụ việc này hết sức tình cờ. Tôi vào đây để làm giám khảo chấm cuộc thi Hoa hậu bản sắc toàn cầu, vòng bán kết phía Nam. Nghe bạn bè nói có một phòng tranh như thế này nên tôi đến xem. Tôi đến với tinh thần háo hức và chia sẻ với một nhà sưu tập tâm huyết với nền mỹ thuật của đất nước, muốn đưa những tác phẩm giá trị về Việt Nam. Đến đây thì mới phát hiện việc này chứ tôi toàn không thể biết trước được.
Ông nói gì về bức tranh của họa sĩ Tạ Tỵ mà ông nhận ra đây là tranh của chính mình?
Thực ra nguyên bản thì đây là bức tranh của tôi, họa sĩ Thành Chương. Hôm nay theo lịch hẹn của bên Ban giám đốc cũng như nhà sưu tầm, ông Vũ Xuân Chung nhưng nhà sưu tầm không tới. Mục đích của tôi tới đây là để chính thức thông báo với báo chí, bảo tàng và cũng như với nhà sưu tập rằng bức tranh này là của họa sĩ Thành Chương. Không phải bức tranh của họa sĩ Tạ Tỵ, nhưng đã được xóa tên Thành Chương và ký vào tên Tạ Tỵ. Và đây cũng không phải bức tranh trừu tượng. Cụ thể tôi vẽ chân dung cô Kim Anh và đây là bức tranh lập thể có ảnh hưởng phong cách của Braque và Xê-gia , là những người đi trước của chủ nghĩa lập thể Pháp.
Do đó, hôm nay, tôi xin phép chính thức thông báo với chủ nhân của bộ sưu tập này đây là tranh của tôi.
Ông sẽ giải quyết như thế nào về bức tranh của chính mình bị giả mạo tên tác giả khác?
Giải quyết việc này “ra ngô ra khoai” thì có rất là nhiều vấn đề, rất là nhiều việc. Đối với bản thân tôi là việc quá khủng khiếp, không thể tưởng tượng được. Một chuyện “quá nhảm nhí” và “quá bậy bạ” như thế này lại xảy ra trong đời sống nghệ thuật.
Với tôi, một họa sĩ Việt Nam cũng có tên tuổi, có bề dày hoạt động gần như là cả đời. Đối với một môi trường hoạt động nghệ thuật như vậy thì thật là kinh khủng. Và hơn ai hết, tôi cũng như mọi người cần phải làm trong sạch môi trường nghệ thuật vì đây là những điều “rất bẩn”.
Đây là một cuộc chiến không đơn giản chút nào và tôi hiểu điều ấy. Tôi sẵn sàng đưa ra những chứng cứ để chứng minh đây là bức tranh của tôi.
Những động thái tiếp theo để có thể nhận lại tranh của ông?
Những động thái tiếp theo sẽ còn rất nhiều. Tất nhiên khi tôi đã công bố đây là tranh của tôi thì bên phía không công nhận thì họ cũng có những động thái phản bác. Theo tình hình đó, chúng tôi sẽ có những động thái để tiếp tục theo đuổi vụ việc này. Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ có đơn kiện chính thức đối với nơi đã làm giả tranh của tôi và cung cấp cho nhà sưu tầm.
Ông cảm nhận như thế nào về sự việc lần này?
Với người khác thì không biết thế nào, nhưng có lẽ ở Việt Nam và với riêng tôi thì đây là lần đầu tiên có vụ giả mạo tranh của tác giả tên tuổi. Và giả mạo tên của một tác giả tên tuổi khác nữa với mục đích chỉ để làm tiền. Tôi nghĩ tranh của Tạ Tỵ chắc chắn sẽ cao giá hơn tranh của tôi. Tôi nghĩ, người sưu tập bức tranh này và hãng tranh bán cho nhà sưu tập này cũng không hiểu đúng về bức tranh. Tất nhiên người bình thường cũng có thể xác nhận bức tranh này đã có tuổi ít nhất là nửa thế kỉ. Không ai có thể phủ nhận đây là bức tranh thật. Cái giả duy nhất ở đây là tác giả của nó không phải Tạ Tỵ mà là Thành Chương. Tôi nói nếu mà là Thành Chương thì chắc sẽ rẻ hơn Tạ Tỵ và họ làm giả cũng chỉ vì mục đích đó thôi.
Ông có thể chia sẻ hoàn cảnh sáng tác và ra đời của bức tranh này?
Tôi xin nói đây là bức tranh vẽ bạn gái của tôi và cô ấy tên là Kim Anh. Cô ấy hồi xưa học ở trường mỹ thuật, cô vừa vẽ và vừa làm điêu khắc. Giai đoạn khi tôi vẽ bức tranh này thì tôi rất mê Xê-gia và Braque, những người đi trước của chủ nghĩa lập thể. Và đây là bức tranh lập thể, hoàn toàn không phải tranh trừu tượng.
Các bạn thấy bức chân dung này rất cụ thể, không hề trừu tượng tí nào. Và bây giờ cô Kim Anh vẫn còn sống và làm việc ở TPHCM. Tôi cũng đã mời cô ấy đến đây nhưng hôm nay cô ấy lại đang ở Hà Nội. Nếu bạn gặp cô ấy thì sẽ nhận ra ngay rất là giống. Vì mặt cô ấy tròn xoe, mái tóc hai bên, tay chống cằm thế này, phía dưới là cái bàn, khối lập thể này là ngực và mông, phía sau là giá vẽ vì cô ấy là họa sĩ.
Nếu các bạn tìm hiểu một chút về hội họa thì màu sắc này rất gần với màu sắc của Xê-gia của thời kì ấn tượng. Còn những mảng phối này là ảnh hưởng của mảng phối lập thể của Braque.
Việc giả mạo này có ảnh hưởng gì đến ông hay không?
Riêng tôi nghĩ việc này ảnh hưởng rất lớn tới tôi, tới người sưu tầm và bản thân uy tín của người bán cũng bị ảnh hưởng. Bây giờ là một mớ phức tạp và chưa có chứng cứ gì khẳng định là ông Hubert cố tình hay là bị vướng vào một vụ việc khác. Nhà sưu tầm này biết hay không biết thì đó là những vấn đề chưa khẳng định được.
Bài & Clip: Băng Châu