Lùm xùm triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu về”:

“Nhìn nét vẽ ngây ngô, trình độ thấp… là nhận ra tranh thật - giả”

(Dân trí) - Triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu trở về” của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM dù đang tạo nên nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến chuyện tranh thật - tranh giả nhưng cho đến nay vẫn chưa đưa ra được những kết luận chính thức. Trước vấn đề này, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm đã có những chia sẻ.

Thưa ông, với tư cách là Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm, ông nói gì về những lùm xùm liên quan đến triển lãm “Những bức tranh từ Châu Âu về” của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM vừa qua?

Ông Vũ Xuân Chung (nhà sưu tập) là người có tâm với mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, trình độ thẩm định có thể không như các nhà chuyên môn nên không thể biết được các tác phẩm không phải là tác phẩm gốc.

Qua sự việc này, các nhà triển lãm, sưu tập của chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm, phải tỉnh táo và tinh tường hơn khi sưu tập tranh. Bởi hiện nay, trình độ thẩm định tranh Việt của nhiều nhà đấu giá trên thế giới cũng chưa cao, do họ không hiểu biết tường tận về mỹ thuật Việt Nam. Vì vậy, bản khẳng định những tác phẩm của mình là thật của anh Chung cũng không thể chính xác.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Ảnh: TL.
Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Ảnh: TL.

Vậy ông nhìn nhận gì về trách nhiệm của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM trong việc cấp phép cho triển lãm này diễn ra?

Khi cấp phép triển lãm, trong hồ sơ xin cấp phép bao giờ cũng có danh sách tác phẩm, ảnh chụp các tác phẩm triển lãm. Thực tế là Sở VHTT TP.HCM không có cán bộ chuyên môn về mỹ thuật nên đã dẫn đến tai nạn nghề nghiệp này. Về phía Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM để sự việc này xảy ra là do anh Hứa Thanh Bình - PGĐ chuyên môn của bảo tàng đi nước ngoài thăm người nhà nếu không khả năng là không xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề này tôi đã có chỉ đạo với phía Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM để giải quyết rồi. Tôi cũng đã đưa ra phương án để bảo tàng có thêm kênh tham khảo mà giải quyết.

Bản thân tôi chưa xem được hết 17 bức tranh trong triển lãm, chỉ xem được mấy bức tranh của 3 danh họa nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam. Cảm nhận của tôi là tranh của họa sĩ Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng và Nguyễn Tư Nghiêm đều có vấn đề, đều không đủ độ tin cậy để khẳng định đó là tranh thật. Những người có nghề nhìn qua biết ngay giả - thật.

Theo ông, bây giờ nên làm rõ chuyện thật - giả của những bức tranh này như thế nào để có độ tin cậy cao nhất?

Giải quyết việc này có gì khó đâu. Tôi có bảo với Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM là trường hợp bác Nguyễn Tư Nghiêm thì vợ bác ấy còn sống và bà Thu Giang (vợ cố họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm) sống với cố họa sĩ bao nhiêu năm nên nắm rõ tranh của ông lắm. Bây giờ, bảo tàng thành lập một hội đồng rồi mời một số chuyên gia, trong đó có cả bà Thu Giang - vợ cố họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vào cùng tham gia là có thể ra vấn đề ngay.

Bức Ngựa của cố danh họa Nguyễn Tư Nghiêm trong triển lãm. Ảnh: BC.
Bức "Ngựa" của cố danh họa Nguyễn Tư Nghiêm trong triển lãm. Ảnh: BC.

Kể cả với tranh của họa sỹ Nguyễn Sáng và Dương Bích Liên cũng thế, các chuyên gia của ngành mỹ thuật có thể xác định được ngay, không cần gì đến máy móc cả. Tôi nói thật, người ta mang máy này máy kia ra để hù dọa nhau chứ việc này chẳng cần đến máy móc, rồi tính chất liệu sơn hay niên hạn năm tháng (vẽ năm nào) làm gì cả. Nhìn những bức tranh với những nét vẽ ngây ngô, trình độ ở mức thấp… là nhận ra ngay đâu là thật - giả.

Cá nhân ông nghĩ sao về “vấn nạn” tranh giả đang làm cho thị trường mỹ thuật Việt Nam vấp phải nhiều biến động?

Thực ra, việc để tranh thật và tranh giả lẫn lộn làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, chuyện các nhà sưu tập Việt Nam và các hãng đấu giá nước ngoài nhầm giữa tranh thật và tranh giả là chuyện thường xuyên xảy ra. Lĩnh vực này có rất nhiều vấn đề và có hẳn một thế giới ngầm chứ không phải chuyện đơn giản. Thậm chí, họ có thể liên kết với nhau giữa nước này với nước khác chứ không phải chuyện nhỏ đâu.

Cho nên, những lùm xùm của triển lãm lần này cũng là hồi chuông rất to, rất lớn để báo động, cảnh báo tất cả các vấn đề. Và những người tham gia vào lĩnh vực này phải trở thành nhà tiêu dùng thông thái nếu không bị vấp phải “quả đắng” không thể cứu vãn. Bởi chuyện tranh giả bây giờ là hoạt động của một “thế giới ngầm” chứ không chỉ một vài cá nhân đơn lẻ đâu.

Tranh Vườn chuối của danh họa Nguyễn Sáng. Ảnh: BC.
Tranh "Vườn chuối" của danh họa Nguyễn Sáng. Ảnh: BC.

Trên cương vị Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm, ông có lời khuyên nào dành cho những người chơi tranh hoặc sưu tập tranh?

Chúng ta cũng đừng nên tin quá vào những tờ giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận chưa nói lên được điều gì cả. Bây giờ có một ông, ông ấy có công ty, có con dấu… là đã có thể làm được cái giấy chứng nhận đó. Việc làm giấy chứng nhận rất dễ. Quan trọng là sau những giấy tờ chứng nhận ông chứng minh được mua cái này từ đâu, có hóa đơn, chứng từ… không?

Cuộc triển lãm của anh Vũ Xuân Chung lần này rất phức tạp vì nó có liên quan đến nước này nước kia. Nguồn gốc của tác phẩm không có, người ta không đưa ra được. Anh Chung chỉ đưa ra được giấy chứng nhận của ông chủ sở hữu người Pháp mà bán cho anh ấy. Nó chỉ có giấy ngọn chứ không có giấy gốc.

Cám ơn ông đã chia sẻ thông tin!

Hà Tùng Long