Hai bảo vật quốc gia độc bản nghìn năm tuổi chùa Phật Tích
(Dân trí) - Ngôi chùa cổ niên đại nghìn năm tọa trên núi Phượng Hoàng là nơi ghi dấu tích Phật, cũng là nơi lưu trữ những bảo vật quốc gia chế tác độc bản không đâu có.
Chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh) còn được gọi là chùa Vạn Phúc hiện đang lưu giữ 2 bảo vật quốc gia: Tượng Phật A Di Đà; bộ tượng 10 linh thú đá.
Tượng Phật A Dì Đà được thờ tại gian chính điện chùa Phật Tích có niên đại từ thế kỷ XI, thuộc thời kỳ lịch sử Trung đại. Kích thước: Cao 1,86 m; tính thêm phần bệ thì đạt 2,69 m; chu vi bệ: 5,92 m.
Tượng được tạc bằng đá xanh nguyên khối gồm 2 phần: Tượng và bệ. Tượng dáng thanh mảnh, ngồi xếp bằng, hai bàn tay ngửa chồng nhau để trước bụng tì nhẹ trên đùi, nếp áo khoác bó sát người có những đường cong thướt tha buông rủ phủ kín hai chân
Khuôn mặt phúc hậu, hàng lông mi mảnh nhỏ cong thanh tú được diễn tả bằng một nét liền mềm mại, mắt phượng, cổ cao ba ngấn.
Bệ tượng trang trí cánh sen, hoa văn sóng nước, rồng, mây lửa... được thể hiện là một đóa hoa nở rộ với hai tầng cánh. Các họa tiết đều được chạm trau chuốt, mềm mại, tỉ mỉ.
Chân bệ là một khối hình chóp, cắt thành bốn bậc, có bình đồ hình bát giác. Trang trí chân bệ là hình rồng, sóng, mây, lửa chập chờn, vần vũ.
Tượng Phật A Di Đà là pho tượng Phật bằng đá thời Lý lớn nhất, đẹp nhất của Việt Nam được biết đến nay. Hoa văn trang trí trên bệ tượng phản ánh nghệ thuật bản địa và chứng minh sự mở đầu của nghệ thuật Phật giáo nói riêng và nghệ thuật độc lập tự chủ Đại Việt nói chung.
Chùa Vạn Phúc xưa chùa tọa lạc ở một vị trí đẹp trên núi Phượng Hoàng (núi Phật Tích), theo bia vạn phúc đại thiền từ bi mô tả: "Núi Phật Tích thiên ứng thế ở phương Nam, núi Phương Lĩnh bọc vào. Sông Ngưu Giang áng đỏ ngưng lại vuông tròn, nước trong leo lẻo huyền hư, núi cao vời vợi sáng lòa. Bên trái mạch nước rồng xanh chảy vòng quanh, bên phải núi hổ trắng chầu vào".
Tòa bảo tháp chùa Phật Tích hiện nay là công trình mới xây dựng gợi nhớ về ngôi tháp cổ của chùa thời kỳ hoàng kim.
Khi khảo sát để trùng tu đã phát hiện nền của ngôi tháp thời Lý còn nằm nguyên vẹn dưới lòng chùa, cùng rất nhiều di vật tiêu biểu cho nghệ thuật xây chùa Phật Tích, cũng là nghệ thuật xây dựng đặc sắc thời Lý, hiện được bảo quản nguyên dạng.
Thượng tọa Thích Đức Thiện trụ trì chùa Phật Tích giới thiệu đến Nhiếp Chính vương Gyalwa Dokhampa và tăng đoàn truyền thừa Drukpa những di vật quí được lưu giữ tại chùa năm 2013.
Một bảo vật quốc gia độc bản khác tại chùa Phật Tích là bộ tượng 10 linh thú đá đặt tại bậc thềm thứ hai của 3 cấp nền chùa, gồm sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa. Mỗi loại hai con, nằm trên bệ hoa sen tạc liền bằng những khối đá lớn, có niên đại nghìn năm.
Trong ảnh là Đại đức Thích Giác Tính bên cạnh hình tê giác. Đây là con vật biểu tượng cho những người tu hành kiên trì cho đến ngày giải thoát.
Hình tượng sư tử mang biểu tượng của sức mạnh bảo hộ Phật pháp, thường được đặt hai bên lối vào chùa chiền.
Tượng voi bên phải Tam Bảo bị mất ngà và vòi. Voi được coi là biểu tượng của sức mạnh thể chất và tâm thức, cũng như trách nhiệm và tính chân thật.
Ngựa đá ở phía phải Tam Bảo. Ngựa được cho là biểu tượng cho năng lượng và sự nỗ lực trong việc hành Phật pháp, là phương tiện di chuyển của tâm.
10 linh thú đá được chia làm 2 hàng, đặt đối xứng phía trước Tam Bảo. Theo văn bia "Vạn Phúc đại thiền tự bi" dựng năm 1686 nói về việc xây chùa Phật Tích thì các bức tượng này được tạc cùng thời điểm xây dựng chùa.
Pho đại Phật tượng A Di Đà mới được xây dựng bằng đá xanh, cao trên 27 m nặng 3.000 tấn, đặt trên đỉnh núi Phật Tích, có độ cao 108 m so với mặt nước biển của chùa Phật Tích.