Điểm danh những loại gia vị đặc trưng của ẩm thực Tây Bắc

An

(Dân trí) - Tây Bắc được mệnh danh là thiên đường ẩm thực của rất nhiều món ăn ngon, đẹp và lạ mắt. Cùng điểm qua những loại gia vị tạo nên sự đặc trưng cho ẩm thực nơi đây.

Mắc mật

Nhắc đến các loại gia vị đặc trưng của ẩm thực Tây Bắc không thể bỏ qua mắc mật. Mắc mật hay còn gọi là móc mật hay hồng bì núi. Cây mắc mật thuộc cây thân gỗ, trong đó loại cây này có thể sử dụng cả quả lẫn lá non để làm gia vị.

Điểm danh những loại gia vị đặc trưng của ẩm thực Tây Bắc - 1

Cây mắc mật khá giống cây quất hồng bì nên còn được gọi là hồng bì núi (Ảnh: Cây giống 4S). 

Cây mắc mật không cao nên rất tiện trong quá trình thu hái, chế biến lá mắc mật cũng rất đơn giản, nếu ai thích mùi hơi hắc của lá thì nên giã nhỏ ướp vào thịt còn nếu không thích thì giữ nguyên lá cây ướp lại với thịt, như vậy sẽ có mùi thơm của lá mắc mật hòa với vị ngọt của thịt, không kén người ăn. Mắc mật có thể sử dụng cả khi tươi và khô, trong đó mùi thơm tập trung chủ yếu ở lá cây.

Có thể thấy mắc mật được sử dụng trong rất nhiều món ăn vùng cao, mà phổ biến nhất là vịt quay và lợn quay Lạng Sơn. Ngoài ra, lá và quả mắc mật cũng được dùng để ngâm măng chua, rất bắt vị.

Hạt dổi

Những món đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Bắc luôn có một gia vị đặc biệt, tạo nên nét đặc trưng cho ẩm thực vùng cao, đó chính là hạt dổi.

Khi nhắc đến những gia vị đặc trưng trong ẩm thực Tây Bắc, không thể không nhắc đến hạt dổi. Hạt dổi được mệnh danh "linh hồn" của ẩm thực Tây Bắc. Hương thơm hạt dổi rất đặc trưng, khác biệt hoàn toàn so với những loại gia vị thông thường như tiêu, quế, hồi... Chỉ cần một vài hạt dổi đã giúp cho mùi vị món ăn trở nên đặc biệt hơn hẳn.

Điểm danh những loại gia vị đặc trưng của ẩm thực Tây Bắc - 2

Hạt dổi sau khi phơi khô (Ảnh: Đặc sản dân tộc Tây Bắc). 

Cây dổi là giống cây thân gỗ, ít cành, cây thẳng, cây trưởng thành có thể cao hơn 30m, đường kính thân cây tới hơn 1m. Dổi ra hoa 2 vụ 1 năm: Vụ chính từ tháng 2-3 và chín vào tháng 9-10. Vụ phụ từ tháng 7-8 và chín vào tháng 3-4. Cứ 2-3 năm lại có 1 vụ thu nhiều.

Mắc khén

Người dân tộc ở Tây Bắc sử dụng hạt mắc khén trong hầu hết các món ăn, món nướng , nó cũng chính là gia vị giúp làm nên tên tuổi cho những đặc sản nổi tiếng khắp cả nước như thịt trâu gác bếp, pa pỉnh tộp, thịt bò gác bếp, chẳm chéo…

Điểm danh những loại gia vị đặc trưng của ẩm thực Tây Bắc - 3

Mắc khén sau khi được phơi khô (Ảnh: Dh Foods). 

Mắc khén rừng Tây Bắc rất được ưa chuộng vì mùi thơm rất hấp dẫn của nó, tạo nên một hương vị đặc biệt khi thưởng thức các món ăn. Các món ăn được thêm mắc khén luôn có sức hấp dẫn khó tả, dễ dàng gây "nghiện" với bất cứ thực khách nào có dịp thưởng thức qua loại gia vị này.

Vào tháng 11 hằng năm thì những hoa này bắt đậu thành quả chín và cũng là thời điểm để thu hoạch.

Thảo quả

Một trong những gia vị phổ biến không thể thiếu trong những nồi canh ngon của đồng bào miền núi Tây Bắc đó chính là thảo quả. Cây thảo quả cũng thuộc họ gừng, trông cũng khá giống cây gừng nhưng chúng có kích thước lớn hơn rất nhiều. Cây có thể cao đến 2-3 mét, thân có thể có đường kính tới 4cm, quả thường mọc ở gốc của cây.

Điểm danh những loại gia vị đặc trưng của ẩm thực Tây Bắc - 4

Thảo quả phơi khô (Ảnh: Thuốc dân tộc). 

Đến mùa thảo quả chín, bà con sẽ đi hái những quả chín vàng để phơi khô, khi sử dụng sẽ đập bỏ vỏ ngoài để lấy hạt làm gia vị. Thảo quả là một trong những gia vị không thể thiếu của món canh hầm hay nấu phở, bún. Thảo quả vừa thơm, vừa ngọt lại thêm một chút cay nồng kích thích món ăn càng hấp dẫn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm