Mẹ đảm ở TPHCM làm vườn "lơ lửng" trên cao, bội thu rau trái sạch
(Dân trí) - Dù nhà không có ban công hay sân thượng nhưng chị Trâm vẫn mày mò đủ cách để thiết kế được một khu vườn trên cao cho riêng mình, trồng đủ loại rau trái sạch cho gia đình thưởng thức.
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công việc bị đình trệ nên chị Nguyễn Thùy Trâm (làm nghề may gia công, sống ở quận 12, TPHCM) có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Để mỗi ngày trôi qua không lãng phí và chủ động được nguồn thực phẩm sạch cho gia đình trong mùa dịch, chị nảy ra ý tưởng làm vườn, trồng rau.
"Khi có con nhỏ, mình càng quan tâm đến vấn đề rau sạch. Xuất phát từ mong muốn cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng cho con ăn cũng như chăm lo bữa cơm hàng ngày của cả nhà trong mùa dịch, mình quyết tâm phải gây dựng được một vườn rau nhỏ tại gia", chị Trâm nói.
Tuy nhiên, nhà chẳng có sân thượng hay ban công nên chị Trâm mày mò nghĩ đủ cách, tận dụng những không gian trống tại gia để thỏa mãn đam mê làm "nông dân thành phố". Thương vợ vất vả, chồng chị đầu tư xây thêm ban công để bà xã có chỗ trồng cây. Nhưng chỉ được một thời gian, thấy ban công chưa đủ trồng trọt, chị "đánh liều" vác đất lên cả mái tôn, tự tay thiết kế thêm khu vườn nông sản xanh mướt, tràn ngập rau trái ở trên cao.
Ở khu vực ban công, chị Trâm lên mạng mày mò kiến thức, học cách trồng rau theo phương pháp thủy canh rồi mua trang thiết bị về lắp đặt hệ thống. Với mô hình này, gia chủ ưu tiên các giống dễ trồng như cải cay, cải chíp, xà lách,... Theo chị, trồng rau thủy canh đơn giản, dễ vận chuyển lại không tốn nhiều thời gian và công sức chăm sóc như các phương pháp khác.
Vì mái tôn ở trên cao, muốn lên rất khó, chị Trâm phải tự thiết kế thang rồi trèo sang mái tôn của nhà kế bên thì mới leo được lên mái nhà mình. Dù vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng chị vẫn cặm cụi "tha" từng ít đất lên mái tôn để làm vườn nông sản. Thậm chí, khi vườn đã hoàn thiện và cho thành quả, chồng chị mới biết đến sự tồn tại của khu trồng trọt lớn hơn cả ban công này.
Vì rau chủ yếu trồng thủy canh ở ban công nên chị Trâm ưu tiên trồng củ, quả ở vườn mái tôn. Rau trái được trồng theo mùa, luân phiên đa dạng để hạn chế sâu bệnh và cho năng suất cao. Các loại cây thân gỗ như táo, ổi,... thì chị trồng bằng đất như phương pháp truyền thống còn dây thân leo thì áp dụng mô hình thủy canh. Cách làm này giúp giảm tải trọng lên mái, không gây nguy hiểm mà rau trái vẫn cho năng suất cao.
Mùa hè nhiều nắng, chị Trâm trồng đủ loại trái cây mà gia đình yêu thích như dưa lưới, ổi, táo, mỗi cây vài gốc vừa có thêm thực phẩm sạch sử dụng, vừa để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và theo đuổi đam mê.
Các cây thân leo như bầu, bí, khổ qua… được trồng theo phương pháp thủy canh. Chị kết hợp làm vườn thổ canh và thủy canh, kê các chậu cây trên khung sắt kiên cố thay vì đặt trực tiếp lên mái để giảm tải trọng cho mái tôn.
Vườn được chăm sóc theo hướng hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học. Để cây có thêm nguồn dinh dưỡng cần thiết, gia chủ dùng các loại phân hữu cơ như phân bò, phân gà đã qua xử lý,... hoặc tự ủ rác nhà bếp để làm phân bón cho cây. Với cây ăn trái như dưa lưới, chị ủ thêm dịch chuối, trứng, sữa để tạo độ ngọt cho quả.
Kiên trì từ những ngày đầu tiên cho đến khi vườn mái tôn đã sum suê các loại rau trái, chị Trâm không chỉ thỏa mãn niềm đam mê trồng trọt mà còn chủ động nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, nhất là trong mùa dịch phải hạn chế đi lại. Khu vườn trên cao cũng trở thành góc thư giãn, giải tỏa căng thẳng của vợ chồng chị mỗi ngày.