Con gái tiết lộ góc khuất cuộc sống ít người biết về nhạc sĩ Phú Quang
(Dân trí) - Theo nghệ sĩ piano Trinh Hương, đằng sau những bản tình ca lãng mạn, cha đẻ ca khúc "Em ơi, Hà Nội phố" là người ít bộc lộ tình cảm, kiệm lời với con cái. Ông thương con theo một cách khác…
Trước sự ra đi của nhạc sĩ Phú Quang, nghệ sĩ piano Trinh Hương, con gái cả nhạc sĩ không giấu được sự đau buồn khi chia sẻ với PV Dân trí. Theo nữ nghệ sĩ, bố của mình có các thể hiện tình thương, sự quan tâm con cái theo một cách riêng. Trinh Hương cũng nhận mình là người thừa hưởng nhiều tính cách của người bố ruột vừa qua đời…
"Bố luôn muốn các con tự lập, ông rất ngại nhờ vả người khác"
Trong suốt gần hai năm nằm trên giường bệnh, không thể tự ăn, không nói được, một mình bố chịu đựng mọi đau đớn mà chưa bao giờ thấy bố kêu ca, đòi hỏi bất cứ điều gì.
Tính bố tôi là thế. Không chỉ khi bị ốm nằm một chỗ chịu đau, không kêu ca, đòi hỏi mà trong cuộc sống ông cũng không muốn làm phiền ai. Khi bố còn khỏe, cái gì không thích thì bố tự làm, tự sửa đổi, chứ không bao giờ bố yêu cầu mọi người phải sửa cái này cái kia cho bố cả.
Khi còn sống, bố là người kiệm lời, ít bộc lộ tình cảm và không hay nói lời ngọt ngào với con cái.
Tôi giống bố, là người không hay thể hiện tình cảm ra ngoài theo kiểu nói lời yêu thương, ôm ấp. Nhưng bất cứ khi nào tôi gặp khó khăn gì, đến xin chia sẻ, ý kiến thì bố luôn tìm cách giúp đỡ hết sức.
Bố không hay nói nhiều với con cái. Chỉ gọi điện cho con gái khi có việc. Thậm chí, mình trình bày vấn đề gì với bố cũng tìm cách nói gãy gọn nhất, nếu mình nói thừa đến câu thứ ba thứ tư, có sự lặp lại là bố gạt đi: "Bố hiểu rồi, bố hiểu rồi".
Nhưng tôi cảm nhận được bố rất thương mình.
Bởi bố là người không muốn mở lời nhờ vả ai cả. Bố luôn dạy con cái phải tự lực cánh sinh, phải phấn đấu để mọi người công nhận bằng năng lực thực của mình. Bố từng nói: "Bố biết mọi người rất yêu quý bố, bố nhờ cái được ngay nhưng mà bố không thích. Ai yêu quý bố, tự họ thể hiện. Chứ bố rất ngại nhờ ai bất cứ điều gì".
Nếu người nhà lợi dụng tình cảm mọi người dành cho bố để nhờ vả là bố rất không hài lòng. Bố có thể không nói ra, nhưng trong tâm bố rất không hài lòng về chuyện đó. Nếu ai đó làm thế, bố nói "không thể chấp nhận được, bố không thích như thế".
Tuy vậy, khi con cái thực sự khó khăn, bố vẫn dằn lòng bỏ qua tất cả, dắt tay con gái để đi nhờ. Bố phải rất yêu mình, bố mới bỏ qua cái tôi của bố.
Tôi có ít ảnh chụp cùng bố hay xuất hiện trước đám đông cùng bố rất ít. Mỗi lần diễn chương trình của bố, mọi người ùa ra chụp ảnh cùng bố nhưng ít khi tôi chủ động chụp cùng, trừ khi tình cờ mọi người bảo hai bố con chụp, ủn vào thì may ra có một cái ảnh. Còn bình thường thấy mọi người ùa ra xin chữ ký, chụp ảnh với bố là mình lập tức đi chỗ khác ngay.
Khi thấy bố đang có rất nhiều người vây quanh, tôi cũng lập tức đi ra chỗ khác chứ không nghĩ "à đây có bạn bè của bố, mình ra góp vui". Đối với bạn bè thân của bố thì họ biết tôi, bố vẫn giới thiệu tôi là "con gái cưng của bố"…
Trong số mấy anh chị em, tôi là đứa gần bố nhất, có thể vì tôi ít hỏi nhất, cũng ít làm phiền bố. Tôi tự lập về cuộc sống của mình, có khó khăn thì đến chia sẻ với bố, không để bố phải lo lắng cho mình nhiều.
Mọi người nói bố yêu tôi nhất, nhưng tôi biết trong lòng bố, bố lo cho các em nhất. Có lúc bố tâm sự, bố không phải lo cho tôi, vì tôi hoàn toàn chủ động cuộc sống của mình. Còn các em chưa tự lo được cho mình, còn những vướng mắc, hay gặp trắc trở, vất vả trong công việc, cuộc sống.
Bố không nói ra nên các em không biết được là bố dành lo lắng cho các em. Các em có thể nghĩ bố không mặn mà con cái, chỉ yêu bạn bè, ít hỏi han, các em lại sống xa (Giáng Hương, Phú Vương sống cùng mẹ ở TPHCM - PV) nên không cảm nhận được tình cảm của bố.
Nhưng tôi biết, khi bố ốm bệnh, trong đầu bố lúc nào cũng đau đáu, bố nói bố lo cho hai đứa em mình. Với mình có thể tự lập được, còn với hai em bố vẫn lo vì các em chưa ổn định, không biết các em sẽ xoay sở thế nào?
"Bố có thể ngồi cà phê, nói chuyện từ sáng đến tối"
Tính cách bố tôi hào sảng, thích gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè. Sở thích của ông là ngồi cà phê, có thể ngồi từ sáng đến tối. Kể cả lúc khỏe hay khi ốm mệt, ông vẫn không từ bỏ thói quen đi cà phê, ăn sáng trò chuyện cùng bạn bè.
Tôi còn nhớ ngày bé, bố vẫn đưa tôi đi theo đến quán cà phê. Cho đến lúc tôi đi học ở Nga, một năm được về Việt Nam nghỉ phép khoảng một tuần, ngày nào bố cũng tha tôi theo. Bố đưa đi vì muốn gần con gái. Nhưng ra đến đấy, thì bố hết gặp bạn nọ đến bạn kia, còn mình cứ ngồi ở đấy. Bạn bè bố nói chuyện thì mình nghe, nghe được cái gì thì nghe, hiểu được cái gì thì hiểu.
Tôi không phải đứa năng động nên có thể ngồi được. Cái gì nghe được, hiểu được thì nghe, không thì tôi ngồi làm việc của mình. Chán quá, thì tôi gọi điện cho bạn, hoặc ra góc khác ngồi làm việc riêng.
Nhưng tôi biết, các em… sợ đi chơi với bố lắm. Mỗi lần vào Sài Gòn, bố bảo cho đi chơi là chúng nó: "Em không đi chơi với bố đâu. Đến đó chỉ ngồi không". Ở Sài Gòn, bố có nhiều bạn lâu ngày không gặp. Ông chỉ ngồi một chỗ, rồi người này đến, người kia đến chào hỏi, trò chuyện. Đến giờ ăn trưa thì ăn trưa, đến bữa sáng thì ăn sáng, bữa lửng thì ăn lửng kiểu thế.
Bao nhiêu sự năng động của ông dồn hết vào… cái miệng. Ông nói rất hay, hài hước. Từ sáng đến tối, mỗi cái miệng và cái đầu của ông hoạt động. Ông cứ ngồi nói chuyện cả ngày.
Sức khỏe của ông một phần không tốt là vì cứ ngồi một chỗ như thế. Tôi thực sự bị ảnh hưởng của ông nhiều, không có khái niệm thể dục thể thao, ngại vận động nên hiểu bố và thông cảm…
Cách thể hiện tình cảm của ông với con, với cháu là như vậy!
Bố tôi cũng rất ít khi mắng con cái, không áp đặt suy nghĩ của mình với các con, hoàn toàn để các con phát triển tự do, theo khả năng của mỗi người. Với tôi, bố chưa bao giờ yêu cầu con phải thế này, con phải thế kia. Bố luôn để các con phát triển tính cách tự nhiên nhất.
Tình cờ là tôi giống bố và hình thành tính cách như vậy chứ bố tôi chưa bao giờ định hướng con cái, uốn các con theo mình. Thường các em chịu ảnh hưởng nhiều từ mẹ.
Có người nói sao nhạc Phú Quang lãng mạn, nên thơ mà con người ở ngoài bình dị, tỉnh táo. Tôi nghĩ đó là sự cân bằng. Tất cả những tình cảm ông đưa vào trong tác phẩm thì bên ngoài là một con người khác.
Tôi nghĩ rằng, có như thế bố mới cân bằng được cuộc sống. Còn những người quá thiên về điều gì đó thì cuộc sống của họ không cân bằng. Có nhiều nhà thơ nổi tiếng, giỏi, chính vì người ta lai láng quá mà cuộc sống bị mất cân bằng…