Điều day dứt nhất của con gái Phú Quang trong những ngày cuối đời của bố
(Dân trí) - "Đến giờ phút này, tôi cũng không hiểu được, bố chịu đựng sự đau đớn như thế nào. Trong suốt gần hai năm như thế, chưa một lần bố kêu ca hay đòi hỏi gì", nghệ sĩ piano Trinh Hương nghẹn giọng nói.
Trước sự ra đi mãi mãi của nhạc sĩ Phú Quang vào sáng 8/12, con gái cả của ông - nghệ sĩ piano Trinh Hương nghẹn giọng nói với PV Dân trí:
"Phải là người yêu cuộc sống lắm, bố mới giữ được lâu thế"
"Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng tôi vẫn không nghĩ bố đi nhanh như thế. Thực sự, khi gặp chuyện buồn, tôi thường hạn chế nghĩ về nó, hướng bản thân đến việc lưu giữ những cảm giác như khi bố còn sống. Nhưng khi ai chạm đến, tôi lại nhớ, lòng lại rối bời…
Bố ốm vào thời điểm có dịch nên Giáng Hương và Phú Vương có ra ngoài Hà Nội nhưng chỉ ra được mấy lần, vì cả đợt dịch dài ở TPHCM không đi được. Lần này, Phú Vương ở cạnh bố được 10 ngày thì bố mất.
Trưa hôm qua, Giáng Hương bay ra nhưng không kịp, sáng bố đã đi rồi…
Các bác sĩ nói: "Ông phải là người rất yêu cuộc sống lắm mới có thể giữ được lâu như vậy. Bình thường với sức khỏe của ông, tất cả mọi thứ như vậy thì đã phải đi từ lâu rồi". Nhiều lần các bác sĩ tiên lượng bố không qua được, nhưng rồi bố lại vượt lên.
Lần cuối cùng hai bố con nói chuyện cùng nhau là đầu tháng 5 năm ngoái, khi bố cấp cứu ở bệnh viện Việt Đức. Thời điểm mới nhập viện, bố vẫn nói chuyện được. Tôi nấu ăn, mang vào cho bố ăn buổi trưa. Mỗi lần vào, tôi kể chuyện nhà, chuyện các cháu và bố nghe thôi, rồi xoa tay xoa chân cho bố.
Sau khi bố bị tràn dịch màn phổi, rơi vào hôn mê, phải mở nội khí quản thì lúc tỉnh lại, bố không nói được nữa. Một năm sau đó, bố vẫn tỉnh táo. Mọi người đến thăm, nói chuyện hài, bố vẫn cười. Bố nhận biết hết, chỉ có điều bố không đối đáp được lại.
Đến giờ phút này, tôi cũng không hiểu được, ông chịu đựng như thế nào. Ông là người, ngay cả đau lắm, ông cũng không nói. Có thể ông nghĩ nói ra mọi người thêm sốt ruột, lo lắng, thương ông nhưng cũng chẳng giải quyết được gì. Trong suốt gần 2 năm như thế, chưa một lần nào bố nói bố đau. Rất nhiều lần tôi hỏi: "Bố có đau không?" và bố luôn lắc đầu, ra hiệu rằng ông không đau.
Bố nói thế nhưng tôi cảm nhận được, người ốm không thể không đau. Ngay cả bị cảm cúm, người cũng nhức mỏi nói gì bố ốm như thế. Và khi nào tôi hỏi: "Con bóp tay, bóp chân cho bố nhé" thì bố gật đầu, còn không bao giờ bố yêu cầu con bóp chân bóp tay cho bố. Bố không có bất cứ đòi hỏi gì.
Bố cũng là người khó lấy ven, có khi chọc từ sáng đến chiều không lấy được ven, hết người nọ lấy đến người kia. Với mình, mỗi lần bị lấy ven như thế là sợ kinh khủng nhưng với bố mình, tuyệt nhiên không kêu than câu nào, khi đau lắm, ông cũng chỉ nhăn mặt.
Với bệnh tình như bố, người thì không nhận biết được, người nhận biết được thì kêu rên đòi hỏi nhưng bố tuyệt nhiên không kêu ca, đòi hỏi gì. Các bác sĩ nói, đầu óc ông còn tỉnh táo. Y tá đến nói chuyện, ông vẫn cười.
Tất cả những người chăm sóc bố đều yêu quý bố, mọi người cứ đùa bảo: "chẳng có bệnh nhân nào ngoan như bố mình".
Mình hiểu bố. Ông nghĩ rằng, với bệnh tình này, mọi người đã làm tất cả những gì tốt nhất cho mình rồi.
Tháng 7 vừa rồi sinh nhật bố, tôi mua hoa vào bệnh viện cho bố. Biết ông thích vui vẻ, tôi có khao mọi người trong phòng bệnh chúc mừng sinh nhật. Mọi người chúc mừng hỏi han, ông vui, ông cười rồi ông khóc suốt.
"Tôi từng có cảm giác bất lực trước bệnh tình của bố"
Điều tôi cảm thấy buồn, và bất lực nhất là nhìn thấy bố nằm trên giường bệnh gần 2 năm, dù tỉnh táo, nhận biết được nhưng ông không thể trò chuyện.
Trước đây, thói quen của bố, sở thích của ông là giao lưu, trò chuyện cùng bạn bè. Dù khỏe mạnh hay ốm đau, mở mắt dậy là ông đi ăn sáng, cà phê trò chuyện cùng bạn bè. Đến trưa, ông có thể đi ăn với bạn bè tiếp hoặc về nghỉ ngơi.
Bố có rất nhiều bạn bè, các mối quan hệ, có khi cả tuần, bố hết đi ăn với người này, đi chơi với người khác, mọi người yêu quý cứ mời đi. Có hôm bố mệt, bố ở nhà, đắp chăn đi ngủ rồi mà mọi người nhiệt tình gọi: "Anh đến đây một lúc thôi", ông lại đi.
Một phần bố là người yêu giao lưu, yêu bạn bè, một phần bởi cả nể. Nhiều lúc mình cũng nói: "Giờ bố phải giữ sức khỏe chứ", nhưng bố vẫn khó chối từ, vì yêu và trân trọng tình cảm mọi người dành cho mình.
Cũng bởi bố hay đi giao lưu, gặp gỡ thành thói quen nên sau này khi bố mệt, bố ốm lẽ ra phải ở nhà thì bố chỉ ở một lúc, rồi lại đi ra đường. Khi ốm mệt, ông nói ít hơn, chỉ ngồi nghe mọi người nói rồi nhâm nhi cà phê.
Thực sự, gần 2 năm cuối cuộc đời nằm trên giường bệnh, bố không nói ra nhưng tôi biết bố bứt rứt lắm. Ngay cả điều đơn giản nhất là nói, bố cũng không nói được. Đã có thời điểm tôi tìm cách để có thể tháo khí quản, để bố có thể trò chuyện, nhưng bố yếu quá. Bác sĩ thử tháo ống mở khí quản ra nhưng chỉ một lúc là oxy tụt xuống, bố yếu quá cũng không thể nói được.
Đây là điều tôi day dứt nhất trong suốt thời gian bố ốm. Tôi từng có cảm giác bất lực nhưng không còn cách nào. Người thân đã tìm đủ mọi cách nhưng sức khỏe của ông không cho phép.