Chiêm ngưỡng điện Kính Thiên mang vẻ đẹp tráng lệ đầy uy quyền
(Dân trí) - Các nhà khoa học Viện nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã giải mã hệ thống khung giá đỡ, phục dựng hình ảnh 3D điện Kính Thiên thời Lê sơ và trưng bày phục vụ người dân.
Dựa trên nguồn tư liệu tin cậy về khảo cổ học, kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ Đông Á, các nhà khoa học Viện nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam từng bước nghiên cứu giải mã hệ thống khung giá đỡ, hình thái bộ mái, các loại ngói lợp mái, mặt bằng nền móng và tiến hành phục dựng 3D hình thái kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ.
Điện Kính Thiên nằm ở trung tâm khu Hoàng thành Thăng Long, được xây dựng trên cấp nền cao, phía trước có thềm bậc đá chạm rồng phân thành 3 lối đi. Trong ảnh là mặt trước của điện Kính Thiên bản phục dựng 3D thu nhỏ, đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.
Vào thời Pháp thuộc cuối thế kỷ 19, người Pháp đã phá bỏ hành cung Kính Thiên để xây dựng trụ sở chỉ huy pháo binh. Sau ngày 10/10/1954, khi quân ta tiếp quản thủ đô, khu vực này đã trở thành nơi làm việc của Bộ Quốc phòng. Vào năm 2004, Bộ Quốc phòng đã bàn giao một phần khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cho UBND TP Hà Nội quản lý.
Thềm bậc đá phía trước gồm 11 bậc, phân làm 3 lối đi. Lối chính giữa dành cho vua, hai bên dành cho các quan đại thần. Thềm bậc điện Kính Thiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia từ tháng 12/2020.
Kiến trúc điện Kính Thiên có quy mô to lớn gồm 9 gian (7 gian 2 chái), chiều sâu của lòng điện có 6 gian, diện tích lớn khoảng 1.188m2.
Chính giữa phía sau và hai bên nền điện có thể có các thềm bậc đơn bằng đá chạm rồng. Trên thềm điện có lan can đá bao quanh kiến trúc gỗ được sơn màu đỏ sặc sỡ. Cột bố trí: Chiều ngang 10 cột, chiều dọc 6 cột, tổng 60 cột gỗ. Kết cấu là loại kiến trúc đấu củng, chồng diêm.
Trên mái lợp ngói rồng men vàng đặc sắc và được trang trí bằng các tượng đầu rồng vươn cao lên trời tạo nên vẻ cao sang quyền lực của vương triều.
Ngói thời kì này phổ biến là ngói ống và ngói cong, trong đó ngói diềm mái hay ngói hiên là ngói câu đầu và ngói trích thủy giống như loại ngói lợp trên mái hiên của các cung điện cổ Trung Quốc hay Hà Quốc. Trong ảnh là ngói diềm mái được trưng bày cùng mô hình điện Kính Thiên.
Ngói rồng đầu hồi trong khu vực trưng bày.
Các loại ngói hộp, ngói chân bờ nóc.
Tại hố đào phía Đông điện Kính Thiên phát hiện xà góc, rui hiên và thượng lương. Đây là những cấu kiện gỗ liên quan đến kết cấu bộ khung giá đỡ mái và hình thái bộ mái của công trình kiến trúc đấu củng.
Trong ảnh là bộ đấu củng được trưng bày. Đây là một loại kết cấu đỡ mái theo kĩ thuật chồng rường nằm ở vị trí dưới mái hiên và mái nhà, vừa có tác dụng mở rộng hiên nhà, vừa chịu lực và đóng vai trò như một chi tiết trang trí.
Bằng cách lắp ghép nhiều khung gỗ hình chữ nhật, đấu củng có thể chuyển trọng lượng cực lớn của mái vào cột đỡ giúp kiến trúc đứng vững không rung chuyển khi gặp các trận động đất.
Chi tiết bằng gỗ được gọi là bình áng vân mây.
Việc phát hiện các loại đấu xuyên tâm và các loại bình áng và nhiều loại cấu kiện gỗ liên quan đến kiến trúc đấu củng ở phía đông điện Kính Thiên là bằng chứng khảo cổ xác thực kiến trúc cung điện thời Lê sơ thuộc loại kiến trúc đấu củng.