1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Bảo vật quốc gia “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng

Lựa chọn một bối cảnh đặc biệt với những nhân vật độc đáo, họa sỹ tài danh Nguyễn Sáng đã kể một câu chuyện sâu sắc, khác lạ qua tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ.”

Bảo vật quốc gia “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng

Bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của cố họa sỹ Nguyễn Sáng. (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Buổi kết nạp Đảng đặc biệt

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho biết, đây là một bức tranh sơn mài độc đáo vào bậc nhất của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam về cả nội dung tư tưởng và bút pháp nghệ thuật. Cố họa sỹ Nguyễn Sáng đã dựng lại khung cảnh một buổi lễ kết nạp Đảng đặc biệt.

“Dù ‘Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ’ thuộc mảng đề tài nhưng lại không hề khô khan. Tác giả đã có một cách thể hiện đầy cảm xúc, mang đến cho người xem sự lắng đọng về một đề tài tưởng như rất… gai góc,” bà Yến chia sẻ.

Không gian của buổi lễ không phải là những gian phòng yên tĩnh mà là một góc chiến hào chật hẹp giữa thời khắc cam go giữa hai trận đánh.

“Giờ phút kết nạp Đảng thiêng liêng được thể hiện một cách giản dị nhưng vô cùng sâu sắc trong một không gian nén chặt, giữa thời điểm đầy thử thách cam go - giữa hai trận đánh. Điều đó mang đến cho người xem cảm nhận sâu sắc về sự khốc liệt, không khí căng thẳng của chiến tranh,” nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến phân tích.

Người lính được kết nạp Đảng (đầu quấn băng trắng) - một trong những nhân vật trung tâm của bức tranh tay cầm súng, mắt nhìn nghiêm nghị về phía lá cờ Đảng trên vách hào.

Bên cạnh đó, các nhân vật không xuất hiện với vẻ nghiêm nghị như thường thấy. Thay vào đó, tất cả đều ở trạng thái chuyển động: một chiến sỹ đỡ đồng đội bị thương (ở góc trái), một chiến sỹ hối hả chạy ra trận (trong phần hậu cảnh), các nhân vật ở trung tâm bức tranh gắn kết với nhau bằng cái cái bắt tay đầy quyết tâm…

“Tất cả được kết nối với nhau một cách chặt chẽ để tạo thành một chỉnh thể ấn tượng, tập trung làm nổi bật chủ đề chung,” bà Nguyễn Hải Yến cho hay.

Theo nhà nghiên cứu này, khi đặt “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” cạnh những họa phẩm khác cùng khai thác đề tài này (như “Kết nạp Đảng trong nhà tù”-Nguyễn Đức Nùng, “Từ trong bóng tối”-Lê Quốc Lộc…), sáng tác của Nguyễn Sáng mang vẻ sinh động riêng với nhiều điểm khác lạ và giàu sức thuyết phục hơn cả.

Chân dung họa sỹ Nguyễn Sáng - tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh.

Chân dung họa sỹ Nguyễn Sáng - tranh sơn dầu của Đinh Quang Tỉnh.

Một trong những yếu tố góp phần quan trọng làm nên điều đó là màu sắc của bức tranh. “Họa sỹ đã rất dụng công trong việc phối màu. Màu vàng nâu của đất đồng hành cùng màu đỏ của cờ Đảng tạo nên sự gần gũi, thân thuộc nhưng cũng rất thiêng liêng,” bà Yến bày tỏ.

Bảo vật quốc gia

Bức tranh “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sỹ Nguyễn Sáng được công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg (ngày 30/12/2013) của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, tác phẩm đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

“Đây là hiện vật nguyên gốc, độc bản và là tác phẩm được rất nhiều các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật đánh giá cao với đầy đủ các giá trị: giá trị lịch sử, giá trị thẩm mỹ và giá trị văn hóa,” Hồ sơ di sản của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nêu rõ.

Cụ thể, với việc tái hiện chân thực hình ảnh một cuộc kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, bức tranh góp một phần quan trọng vào việc nghiên cứu các giá trị lịch sử căn bản để dẫn đến thắng lợi lừng lẫy của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bên cạnh đó, tác phẩm là sự kế thừa lối tạo hình của nghệ thuật phương Tây với thủ pháp hiện thực chắc khỏe, nhưng lại mang đậm tinh thần, màu sắc Việt. “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” là minh chứng căn bản cho khả năng biểu cảm đa dạng của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

Phân tích sâu hơn về khía cạnh này, họa sỹ Lương Xuân Đoàn cho biết: bên cạnh những màu sắc quen thuộc của hệ màu sơn ta truyền thống (màu đỏ son, vàng, bạc), họa sỹ Nguyễn Sáng đã dụng công phối thêm một số màu mới (như màu lam, lục).

“Từ việc gạn lọc ra những chi tiết đắt giá, họa sỹ đã nâng tầm khái quát cho tác phẩm để làm nổi bật lòng yêu nước, niềm tin vào Đảng và tinh thần đoàn kết, quyết tâm chiến đấu của những người chiến sỹ Điện Biên,” họa sỹ Lương Xuân Đoàn cho hay.

Họa sỹ Nguyễn Sáng (1923-1988) được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996). Cùng với họa sỹ Nguyễn Gia Trí và họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm, ông được coi là cây đại thụ của dòng tranh sơn mài Việt Nam.

Một số tác phẩm tiêu biểu của họa sỹ Nguyễn Sáng: “Giặc đốt làng tôi,” “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ,” “Thiếu nữ bên hoa sen,” “Thanh niên thành đồng”…










Theo An Ngọc
Vietnam+