Báo Pháp viết về những chiến sĩ lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập

(Dân trí) - “Chúng tôi đã chiến đấu bằng trái tim mình, bằng cái đầu luôn nghĩ về đồng bào miền Nam, chúng tôi không ra chiến trường để nhận về danh tiếng, hay để được tung hô là những anh hùng đâu…” - chỉ huy xe tăng 390 đã chia sẻ với hãng tin AFP như vậy.

Báo Pháp viết về những chiến sĩ lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập


Khi xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập cách đây 40 năm, khoảnh khắc đó đã trở thành thời khắc lịch sử, chính thức đánh dấu hồi kết của chiến tranh Việt Nam. Những chiến sĩ có mặt trên xe tăng 390 năm ấy đã trở thành những nhân vật lịch sử của ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hôm nay, trong cuộc sống thường nhật, đời sống của những con người đã “đi vào lịch sử” ấy vẫn còn rất đơn sơ, nhưng cuộc đời giản dị của họ đã vĩnh viễn gắn liền với lịch sử, với phút giây đáng nhớ nhất trong ngày 30/4/1975. Cùng với chiếc xe tăng 390, 4 người chiến sĩ có mặt trên xe đã cùng viết nên một chi tiết lịch sử hào hùng. Bài viết của AFP được mở đầu như vậy.

Báo Pháp viết về những chiến sĩ lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập


Vào ngày 30/4/1975, tiểu đội 4 chiến sĩ lái xe tăng 390 đã vượt qua mọi sự chống trả quyết liệt của địch trên đường tiến vào Sài Gòn, cả 4 chiến sĩ đều tin tưởng hoàn toàn vào một chiến thắng đã đến rất gần, thẳng tiến về Sài Gòn, họ hướng thẳng về Dinh Độc Lập.

Người chỉ huy xe tăng 390 năm ấy - ông Vũ Đăng Toàn vẫn còn nhớ như in không khí quyết chiến quyết thắng của ngày 30/4 lịch sử: “Nếu chúng tôi có một chút mảy may run sợ, thì làm sao có thể vượt qua tất cả để tiến về Sài Gòn, húc đổ cổng Dinh Độc Lập? Mục tiêu của chúng tôi khi đó, duy nhất chỉ có nhanh chóng chiếm được Dinh Độc Lập, bắt được nội các của Dương Văn Minh. Khi đã tham gia vào quân đội, chúng tôi không muốn thua trong bất cứ một trận nào”.

Báo Pháp viết về những chiến sĩ lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập


Nhiều thập kỷ đã trôi qua sau chiến tranh, khoảnh khắc lịch sử khi chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, tiến vào trong sân, đánh dấu một trang sử mới thống nhất vẹn toàn cho cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam đã được ống kính của nữ nhiếp ảnh gia người Pháp - Francoise de Mulder ghi lại.

Giờ đây xe tăng 390 lịch sử đã được đặt trong viện bảo tàng, được bảo quản như báu vật lịch sử quốc gia, chiếc xe tăng đánh dấu ngày non sông nối liền một dải, Bắc Nam sum họp một nhà.

Ông Vũ Đăng Toàn cho biết ông không muốn xuất hiện quá nhiều trên các phương tiện truyền thông và cũng không muốn nói nhiều về vai trò của mình trong một khoảnh khắc đã đi vào lịch sử bởi: “Chúng tôi đã chiến đấu bằng trái tim mình, bằng cái đầu luôn nghĩ về đồng bào miền Nam, chúng tôi không ra chiến trường để nhận về danh tiếng, hay để được tung hô là những anh hùng đâu…”.

Báo Pháp viết về những chiến sĩ lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập


Ông Vũ Đăng Toàn đã nói với phóng viên của AFP rằng trong suốt cuộc đời mình, ông luôn cảm thấy hạnh phúc vì một lẽ - ông đã làm trọn nghĩa vụ đối với đất nước.

Sau đó, bài viết trên AFP nhấn mạnh vào khía cạnh đời sống đơn sơ, giản dị của gia đình ông Toàn - người đã 20 năm phục vụ trong quân ngũ và về hưu năm 1985. Khi về hưu, ông từng phụ giúp gia đình làm đậu phụ và bánh phở để kiếm thêm thu nhập.

Giờ đây, tuổi đã cao, ông nghỉ hẳn và sống một cuộc đời giản dị ở quê nhà thuộc tỉnh Hải Dương với đồng lương 5 triệu rưỡi/tháng.

Báo Pháp viết về những chiến sĩ lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập

Bốn chiến sĩ trên xe tăng 390 - Ngô Sỹ Nguyên, Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Văn Tập và Lê Văn Phượng (từ trái qua). Ảnh: Người lao động

Bài viết của AFP còn tìm hiểu đời sống của 3 thành viên còn lại trên xe tăng 390 năm ấy. Pháo thủ số 2 - ông Lê Văn Phượng cũng từng có đời sống kinh tế nhiều khó khăn, chật vật, giống như tất cả những người dân Việt Nam khác hồi đầu thập niên 1980.

Khi đó cũng là giai đoạn ông rời quân ngũ, trở về đời sống thường nhật, ông quyết định “tay kéo, tay lược” làm thợ hớt tóc để thêm thu nhập cho gia đình.

Giờ đây, ông Phượng cũng đã nghỉ hẳn, ông ở nhà và sống bằng lương hưu. Ông Phượng ở ngay ngoại thành Hà Nội, khi phóng viên AFP tìm đến nhà, ông kể lại ký ức tham gia chiến đấu năm xưa bằng sự hồ hởi, nhiệt thành.

Báo Pháp viết về những chiến sĩ lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập


Ông Phượng cho biết, mỗi dịp nước nhà kỷ niệm ngày 30/4, lòng ông lại rộn ràng, vui sướng và rất tự hào vì được thấy lại những thước phim lịch sử của ngày 30/4/1975 chiếu trên sóng truyền hình: “Mỗi khi nhìn lại những thước phim được quay trong ngày lịch sử ấy, tôi như được trở về cái thuở mới ngoài 20, trong trái tim và khối óc ngập tràn những lý tưởng của thời đại, tự hào được đóng góp sức mình, dù chỉ là một phần rất nhỏ bé, vào chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc”.

Đối với ông Phượng, những gì mà 4 chiến sĩ của xe tăng 390 đã làm được là “rất bình thường” trong một đất nước mà hầu như mỗi người dân đều có những đóng góp lớn nhỏ cho cuộc kháng chiến giành độc lập, một đất nước mà hàng triệu người đã ngã xuống vì nền độc lập: “Tôi vẫn luôn nghĩ về những người anh em còn lại trên xe tăng 390, họ giống như những thành viên trong gia đình của tôi vậy. Chúng tôi vẫn thường xuyên chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc đời, giống như những người anh em trai”.

Pháo thủ số một của xe tăng 390 - ông Ngô Sỹ Nguyên rời quân ngũ từ năm 1982, năm nay ông đã 63 tuổi. Ông từng làm lái xe buýt ở Hà Nội cho tới khi về hưu.

Báo Pháp viết về những chiến sĩ lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập


Người lái xe tăng 390 - ông Nguyễn Văn Tập năm nay 65 tuổi. Ông rời quân ngũ từ rất sớm (năm 1976), trở về quê, ông làm việc tại một xưởng sơn và làm cả nghề nông. Ông Tập cũng có một suy nghĩ chất phác, chân phương giống như những người đồng đội trên xe tăng 390: “Còn được sống là may mắn rồi, tôi đã may mắn hơn rất nhiều so với những người đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường”.

4 người cựu chiến binh ấy mỗi năm đều cố gắng thu xếp để gặp nhau vài bận, họ sẽ gặp lại nhau trong tuần này ở TPHCM, để cùng nhau kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Báo Pháp viết về những chiến sĩ lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập


Trong ngày tháng 4 lịch sử năm 1975, cả 4 chiến sĩ có mặt trên xe tăng 390 đều có tuổi đời dưới 30. Đối với họ, những năm tháng cuộc đời được sống sau này đều rất quý giá, bất kể cuộc sống có khó khăn, vất vả thế nào, bởi tất cả họ đều có chung một suy nghĩ mộc mạc - “được sống đã là may mắn rồi”.

Bài viết trên AFP dừng lại ở đó, chủ yếu khai thác khía cạnh đời sống thường nhật giản dị đến không ngờ của những người anh hùng trong ngày chiến thắng lịch sử 30/4/1975. Họ là những người đã lái chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng Dinh Độc lập, nhưng giữa cuộc sống đời thường hôm nay, họ vẫn là những ông lão bình dị, những cựu chiến binh sống khiêm tốn, giản dị vô cùng.


Bích Ngọc
Theo AFP