2013- Năm tiếc thương những nghệ sỹ tài năng (II)

(Dân trí)- Ở lĩnh vực Âm nhạc, năm 2013 đánh dấu những tổn thất lớn lao khi những nhạc sỹ tài năng vĩnh viễn ra đi...

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng: Nhớ về Hà Nội, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Trở về dòng sông tuổi thơ... đã qua đời tại nhà riêng vào ngày 9/1/2013, thọ 82 tuổi.

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp, tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn sinh ngày 1/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Ông tham gia cách mạng vào năm 1945, tham gia vào đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà.
 
Nhạc sỹ Hoàng Hiệp

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp

Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1948. Việc tập kết ra miền Bắc như một khởi điểm cho cảm hứng của người nhạc sĩ Nam bộ. Năm 1957, bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương viết chung với nhạc sỹ Đằng Giao là điểm khởi đầu cho sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của nhạc sỹ  Hoàng Hiệp.

Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội (khoảng 1955 đến 1975), ông đã viết hơn 100 ca khúc, nhiều bài trong đó tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ: Lá đỏ, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Cô gái vót chông hay Ngọn đèn đứng gác…

Dấu ấn trong sáng tác sau 1975 của nhạc sỹ Hoàng Hiệp là ca khúc: Trở về dòng sông tuổi thơ, Con đường có lá me bay (1977), Mùa chim én bay, Em vẫn đợi anh về, Nơi anh gặp em (ca khúc trong phim Tội lỗi cuối cùng)...

Hầu hết những ca khúc của ông thường mang âm hưởng dân ca, trữ tình, dễ nhớ. Ca khúc Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp được coi là một trong những tuyệt phẩm hay nhất viết về Hà Nội được nhiều ca sỹ nổi tiếng như Hồng Nhung, Tùng Dương thể hiện.

Năm 2000, nhạc sỹ Hoàng Hiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây, Viếng Lăng Bác, Nhớ về Hà Nội.

Nhạc sỹ Phạm Duy

Cây đại thụ của làng nhạc Việt Nam -  nhạc sỹ Phạm Duy đã trút hơi thở cuối cùng vào trưa ngày 27/1/2013 tại bệnh viện 115, TP.HCM, hưởng thọ 93 tuổi.

Trước đó, ông phải điều trị một thời gian khá dài về bệnh tim, gan, gút và đã từng trải qua hai lần phẫu thuật tim. Cũng có người cho rằng, sự ra đi đột ngột của nhạc sỹ Duy Quang- con trai trưởng nhạc sỹ Phạm Duy vào cuối năm 2012 đã ảnh hưởng nhiều đến tinh thần và tâm lý của ông. Sau cái chết của con, sức khỏe của nhạc sỹ Phạm Duy giảm sút nặng nề.
 
Nhạc sỹ Phạm Duy

Nhạc sỹ Phạm Duy

Nhạc sỹ Phạm Duy tên thật là Phạm Duy Cẩn, ông sinh ngày 5/10/1921 tại phố Hàng Cót, Hà Nội. Nhạc sỹ Phạm Duy kết hôn với ca sỹ Thái Hằng và là cha của những nghệ sỹ nổi tiếng như Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo, Duy Cường.

Trong sự nghiệp của mình, ông được biết đến với vai trò nhạc sỹ,  ca sỹ kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc. Ông được xem là một trong những nhạc sỹ lớn của nền tân nhạc Việt Nam với số lượng nhạc phẩm đồ sộ cũng như đa dạng thể loại (nhạc cách mạng, nhạc quê hương, nhạc tình đôi lứa, trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca...).  Cùng với sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị.

Sau năm 1975, vị nhạc sỹ  sang sinh sống tại Hoa Kỳ. Đến tháng 5/2005 ông chính thức trở về Việt Nam định cư. Nhiều ca khúc của ông cũng dần được cấp phép phổ biến trở lại như Mùa thu chết, Tạ ơn đời, Giọt mưa trên lá, Tiễn em, Đi đâu cho thiếp theo cùng … Mới đây, 8 ca khúc trong 10 bài của tập Đạo ca của ông vừa được cấp phép biểu diễn.

Nhạc sỹ Hoàng Hà

Tác giả của ca khúc đi cùng năm tháng,  Đất nước trọn niềm vui  đã qua đời vào ngày 4/9 tại thành phố Vũng Tàu, thọ 85 tuổi. Sự ra đi của nhạc sĩ Hoàng Hà khiến nhiều nghệ sỹ bùi ngùi thương tiếc.
 
Nhạc sỹ Hoàng Hà

Nhạc sỹ Hoàng Hà

"Đó là một mất mát quá lớn, không gì bù đắp được. Bởi những tác phẩm như của nhạc sĩ Hoàng Hà đã viết, không phải ai cũng có thể làm được. Tôi không có được cái may mắn tiếp xúc nhiều với ông nhưng qua những tác phẩm của ông mà tôi đã hát, tôi thấy được cái tâm và cái tầm của ông", ca sỹ Ánh Tuyết từng chia sẻ trên Dân trí.

Nhạc sỹ Hoàng Hà tên thật là Hoàng Phi Hồng, sinh ngày 1/12/ 1929 tại vùng hoa ven Tây Hồ, Hà Nội. Đến năm 1985 ông vào định cư ở thành phố Bà Rịa,Vũng Tàu.

Ông là một nhạc sỹ đã có nhiều cống hiến cho âm nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về cách mạng, về sự nghiệp thống nhất đất nước như: Hò dân công, Vui lên đường, Ánh đèn cầu Việt Trì, Làng ta làm thuế…

Tác phẩm tiêu biểu nhất đi cùng năm tháng của ông là ca khúc Đất nước trọn niềm vui ông viết năm 1975 khi đất nước thống nhất hai miền. Ngoài ra những ca khúc rất được nhân dân yêu mến như: Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Cùng hành quân giữa mùa xuân, Chú bộ đội…

Trong sự nghiệp âm nhạc, với những cống hiến của mình, nhạc sỹ Hoàng Hà được trao tặng rất nhiều giải thưởng, huân chương cao quý. 

 Nguyễn Hằng - Hiền Hương