Tinh thần và Dinh dưỡng: “Cặp đôi hoàn hảo” Chống suy mòn trong ung thư
Hội chứng suy mòn sẽ không còn là nỗi ám ảnh của bệnh nhân ung thư bởi khoa học đã tìm ra “khắc tinh” của chúng.
Suy mòn: không nên xem nhẹ
Dù có đến 80% bệnh nhân ung thư phải đối mặt với tình trạng suy mòn nhưng không phải ai cũng nhìn nhận đúng và đầy đủ về hội chứng này. Hiểu theo cách dân gian, suy mòn là tình trạng chán ăn, cơ thể ngày càng gầy yếu “da bọc xương” và mất khả năng chống chọi với bệnh tật. Tuy nhiên, suy mòn trong ung thư cần được nhìn theo quan điểm khoa học. Điều này nhằm giúp bệnh nhân phát hiện sớm và chọn đúng giải pháp để khắc chế.
Suy mòn trong ung thư xuất phát từ những thay đổi trong quá trình chuyển hóa của cơ thể do khối u gây ra nên chắc chắn sẽ không dừng lại ở việc chán ăn. Một dẫn chứng dễ hiểu nhất là nếu so với sự thiếu ăn, các bệnh nhân ung thư có những biểu hiện hoàn toàn trái ngược. Theo đó, cảm giác ngon miệng gần như biến mất trong suy mòn, trong khi người thiếu ăn thì lại thèm ăn.
Thêm vào đó, quá trình tiêu thụ năng lượng tăng lên rõ rệt, ngay cả khi nghỉ ngơi. Chính sự mất cân bằng này khiến cho thể trạng của người bệnh gầy yếu và sụt cân một cách nhanh chóng, mô nạc và mỡ giảm mạnh, vì thế cơ thể khó đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe trong trị liệu. Đặc biệt, quá trình loại bỏ khối u bằng xạ trị hay hóa trị nếu cộng với cơ thể bị suy mòn sẽ rất dễ dẫn đến các biến chứng và nhiễm trùng. Thêm một điểm chú ý nữa là phẫu trị cho những bệnh nhân ung thư hệ tiêu hóa sẽ tác động trực tiếp đến việc ăn uống của người bệnh, dẫn đến tình trạng suy mòn càng thêm trầm trọng.
Bệnh nhân không nên xem nhẹ tình trạng suy mòn trong ung thư (Ảnh minh họa).
Tinh thần + dinh dưỡng = 10 thang thuốc bổ
Ông bà xưa thường ví von: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” với ngụ ý sâu xa: một tinh thần lạc quan là liều thuốc hữu hiệu tạo ra một cơ thể khỏe mạnh. Điều này càng có ý nghĩa với bệnh nhân. Do tâm lý chung của người dân rằng: ung thư là bệnh nan y, là “án tử”… nên người mắc căn bệnh này thường đeo đẳng suy nghĩ “sẽ chẳng sống được bao lâu, cứ phó mặc cho số phận”. Tình trạng suy sụp về tinh thần cùng với việc chán ăn do suy mòn khiến bệnh tình ngày một trầm trọng, khối u càng có đất “dụng võ” và quá trình điều trị lại không mang đến kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân ý thức được tầm quan trọng của liệu pháp tinh thần nên họ vẫn lạc quan, tỏ rõ sự quyết tâm và kiên trì để đối mặt với căn bệnh cũng như quá trình trị liệu đầy khó khăn. Một nửa thành công trong điều trị ung thư là thuộc về nghị lực của bệnh nhân.
Một lưu ý nữa là khi cơ thể đã có sự thay đổi về chuyển hóa thì chế độ dinh dưỡng bình thường sẽ rất khó có khả năng chống lại hội chứng suy mòn. Đó là lý do mà bệnh nhân ung thư cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên ăn uống đầy đủ lượng thực phẩm thuộc các nhóm chất đạm, bột, đường, béo, vitamin, khoáng chất, nước. Bên cạnh đó, do nhu cầu dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư cao hơn nhiều so với người bình thường nên các chuyên gia ung thư khuyến cáo người bệnh nên sử dụng thêm dinh dưỡng chuyên biệt giàu đạm, giàu năng lượng, đặc biệt có bổ sung EPA - một loại axit béo omega-3, đang được xem là “khắc tinh” của hội chứng suy mòn do ung thư, giúp người bệnh giữ được sự ngon miệng và ổn định lượng dinh dưỡng cơ thể thu nhận. Theo đó, EPA đã được chứng minh sẽ làm giảm việc sản xuất các chất gây viêm, giảm các xáo trộn chuyển hóa trong hội chứng suy mòn, giúp ổn định cân nặng. Chất này có nhiều trong cá mòi, cá trích, các viên dầu cá hay các loại sữa dinh dưỡng chuyên biệt được làm giàu với EPA.
TS.BS Bùi Chí Viết - Trưởng khoa ngoại 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM